Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa XV đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành và 43 người uy tín tiêu biểu trên các lĩnh vực tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự vui mừng khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân ngày một cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày một giảm... Hội nghị cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu bày tỏ mong muốn, nguyện vọng và kiến nghị đến với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó tập trung vào các vấn đề: ổn định dân du canh du cư, di cư tự do; triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở đã nhường lại cho các công trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, bình ổn giá;...
Song song với đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chức năng có chính sách để người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm; thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh; tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên bày tỏ niềm vinh dự khi Gia Lai được Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam chọn tổ chức Hội nghị và mong muốn các đại biểu với uy tín của mình tham gia đóng góp nhiều ý kiến, tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.
Riêng về tỉnh Gia Lai, trong thời gian qua đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hiện đang triển khai thực hiện tốt Chương trình số 29 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ với những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của các đại biểu. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ: khi nói đến Tây Nguyên là nói đến 3 vấn đề: Đại ngàn Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và lòng dân Tây Nguyên. Do đó, qua hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng mong muốn tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, trao đổi, thống nhất, phối hợp hành động với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban dân tộc và Ban Dân vận Trung ương giải quyết từng bước, đáp ứng mong mỏi của bà con.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Và thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành đã dành sự quan tâm rất đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng cần phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Dịp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao tặng 43 phần quà cho 43 người uy tín tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên dự hội nghị.