Tham dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn.
Cùng dự còn có đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo, cán bộ các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Sóc Trăng cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Đến năm 2030 thành tỉnh khá vùng đồng bằng sông Cửu Long
Theo Quyết định số 995/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được công bố tại Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030: là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Quy hoạch xác định một số chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt khoảng 45%.
Về xã hội: tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 80/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 90%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 33 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 11 người.
Về môi trường: tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt 98 - 99%, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt 75%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98 - 100%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 75%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 3%.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Quy hoạch xác định 3 đột phá phát triển gồm:
Một là, huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính chiến lược, lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam), cảng biển, các hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Hai là, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành tiềm năng tạo bước đột phá phát triển như năng lượng, du lịch, cảng biển, logistics, đô thị, dịch vụ, chuyển đổi số và ngành nông nghiệp, thủy sản, chế biến thủy sản.
Tiền đề để Sóc Trăng hiện thực hoá khát vọng phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh vai trò quan trọng của quy hoạch đối với sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Sóc Trăng là một trong 13/63 tỉnh, thành của cả nước và 2/13 tỉnh thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt xong quy hoạch tỉnh. Đây là căn cứ, định hướng tiền đề để Sóc Trăng hiện thực hóa khát vọng phát triển của mình.
Lưu ý, việc xây dựng, lập Quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi phải rất khẩn trương, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về “phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Hai là, để triển khai thực hiện thành công quy hoạch, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh tại tỉnh.
Ba là, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Bốn là, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống Nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Năm là, khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch các địa phương
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương khẩn trương rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua vào các quy hoạch ngành quốc gia, vùng và tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của các địa phương theo nhiệm vụ được phân công.
Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo không gian và động lực tăng trưởng mới. Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư để tăng tốc phục hồi và phát triển.
Đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến, thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư theo thẩm quyền của Trung ương để sớm triển khai, đưa các công trình, dự án vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả, đóng góp vào phát triển chung của quốc gia cũng như các địa phương.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định sẽ phấn đấu, nỗ lực hết sức mình trong triển khai, quản lý và thực hiện Quy hoạch đã được phê duyệt.