Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Quàng Văn Hương cùng Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đồng chủ trì hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo đã nêu khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất nông lâm nghiệp, đất đai do các công ty nông lâm nghiệp quản lý sử dụng; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên; khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân; đề xuất góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); thực trạng hoạt động trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai đối với đồng bào...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Gia Lai Lương Thanh Bình cho biết: Tỉnh hiện có 34 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, với tổng dân số trên 1,3 triệu người, trong đó đồng bào DTTS trên 632 nghìn người, chiếm khoảng 44,7% dân số toàn tỉnh. Giải quyết việc thiếu đất sản xuất, đất ở đối với đồng bào trên địa bàn, Gia Lai đã triển khai việc cấp đất cho các hộ dân là người đồng bào còn thiếu đất, các hộ đã đưa đất vào sản xuất, sử dụng hiệu quả, an tâm sản xuất ổn định lâu dài. Việc hỗ trợ đất đã giải quyết khó khăn, giúp người dân thiếu đất có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo… Trong quá trình triển khai việc giao đất, giao rừng tại địa phương cũng còn nhiều bất cập; diện tích đất nông nghiệp người dân đang sử dụng ổn định đan xen với diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng sản xuất… dễ xảy ra các tranh chấp về pháp lý và rất khó giải quyết.
Để giải quyết thực trạng trên, đại diện tỉnh Gia Lai kiến nghị xem xét bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cũng như chính sách tạo điều kiện cho đồng bào có đất sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế; UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai… Trên cơ sở quy định này, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư; theo đó cần cụ thể, rạch ròi hơn về khái niệm “hạn mức giao đất” và “hạn mức giao công nhận quyền sử dụng đất”; đối với diện tích đất rừng, thực tế là đất nông nghiệp mà người dân đã sử dụng theo hình thức riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cùng với đó, cần nới lỏng điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cơ chế thu tiền sử dụng đất phù hợp; làm rõ hơn về giao đất rừng tự nhiên, tăng chủ thể quản lý rừng, quản lý rừng bằng nhiều phương thức...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm nêu thực tế, trên địa bàn hiện còn hơn 30.000 ha đất, nhưng việc bàn giao đất cho dân chưa thể triển khai do còn nhiều vướng mắc. Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập khi có dự án triển khai qua vùng đất có đông đồng bào sinh sống. Đối với chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất đồng bào DTTS rất quan trọng nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Việc cấp đất, giao đất cho đồng bào còn khó khăn khi đất nông lâm trường giao về địa phương quản lý hầu hết là đất lấn chiếm, đất lâm nghiệp, chưa kể đồi dốc, đất xấu... Quỹ đất của các công ty nông lâm nghiệp của Nhà nước khi thu hồi cũng gặp khó khăn liên quan hoạt động doanh nghiệp, kinh phí...
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội thảo với những đề xuất cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm gắn liền với thực tiễn chính sách đất đai khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Từ góc nhìn địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý có thêm cơ sở để rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn của địa phương, chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc của đồng bào liên quan đến chính sách đất đai. Trên cơ sở các tham luận, ý kiến tại Hội thảo, Hội đồng Dân tộc sẽ tổng hợp đầy đủ, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền.