Hạnh nguyện đặc biệt với tâm đại từ, đại bi
Trong kinh Phật, có nói Bồ Tát Quán Thế Âm chính là quá khứ Phật Chánh Pháp Minh Như Lai, tức là một vị cổ Phật nhưng thị hiện là Bồ Tát để trợ duyên cho Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh ở cõi Sa Bà và Ngài cũng lại trợ duyên cho Phật Di Đà ở cõi Tây Phương.
Hạnh nguyện đặc biệt của Quán Thế Âm Bồ Tát là phát nguyện tầm thanh cứu khổ chúng sinh các cõi.
Ngài cũng có pháp môn tu đặc biệt, tu nhĩ căn viên thông, tức là quán sát âm thanh trong pháp giới này. Cho nên danh hiệu của Ngài mới có hiệu là Viên Thông Giáo Chủ Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn.
Nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm tức là nói đến tâm đại từ và đại bi. Hai tâm tối quan trọng, không thể thiếu trên bước đường mà thực hành Bồ Tát đạo để thành tựu Phật quả. Cho nên hành Bồ Tát đạo thì bắt buộc phải đi qua lộ trình đó là phải tu tập tâm từ, tâm bi, từ bi. Không từ bi không thể thành Phật được!
Phải đem niềm vui đến mọi người, giải nỗi khổ cho người...
Hướng tới kỷ niệm ngày Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh 19 tháng 2, theo lời thỉnh cầu của Phật tử Câu Lạc bộ Cúc Vàng và Nhân dân khắp nơi, Thầy Trụ trì Thích Trúc Thái Minh cùng Chư Tôn Đức Tăng chùa Ba Vàng đã cho phép chương trình 10 ngày tu tập nhiều nội dung, (gồm 7 ngày sám hối nghiệp sát sinh và Pháp đàn Lễ Ngũ bách danh trong 3 ngày). Riêng Pháp đàn lễ Ngũ Bách Danh được tổ chức trong các ngày 17- 19.2 Nhuận năm Quý Mão (tức 6 - 9.4.2023).
Theo ban tổ chức, Pháp đàn Lễ Ngũ Bách Danh tại Chùa Ba Vàngđược diễn ra 4 thời khóa (4g30, 8g30, 14g30 và 20g) không dưới 1000 lễ/ngày. Trong 3 ngày là 11 thời khóa với tổng cộng tới 3000 lễ.
Nói về ý nghĩa mục đích của Pháp đàn Lễ Ngũ Bách Danh, Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập tu Lục Hòa Phạm Thị Yến cho biết: lễ Ngũ Bách Danh là thực hành lễ 500 lễ hồng danh công hạnh của Đức Quán Thế Âm, nhằm để sám hối các tội lỗi và nhờ sự sám hối đó, nghiệp chướng được tiêu trừ khiến chuyển hóa bệnh tật, thọ mạng được dài thêm, tín tâm được tăng trưởng. Chư Tăng đại diện cho Tam Bảo, vì lợi ích cho nhân dân Phật tử, mà dẫn lễ sám hối. Cho nên, khi phật tử, nhân dân theo chư Tăng lễ bái sám hối trực tiếp, trực tuyến hay lễ bái theo nghi thức này, theo đúng khung thời gian phát nguyện (ngày/giờ) cùng chư Tăng, thì sẽ được hòa cùng vào năng lượng tâm thanh tịnh của chư Tăng và đó chính là lợi ích của sự nương tựa Tam Bảo, khiến tâm của chúng ta tăng thượng được thiện pháp.
Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Chúng ta muốn đảnh lễ Quan Âm Bồ Tát tiêu tội và được cảm ứng, gọi là linh cảm ứng thì phải tu tập với tâm từ bi. Để dễ hiểu, tâm từ bi nghĩa là tâm yêu thương, tâm ban vui, cứu khổ cho chúng sinh. “Từ” có nghĩa là ban vui mà “Bi” có nghĩa là cứu khổ”!
Nói đến Quan Âm Bồ Tát là phải nhớ tu hạnh của Quan Âm Bồ Tát, thì cũng là phải tu tâm từ, tâm bi. Thế nên, tu tập trong Pháp đàn lễ Ngũ Bách Danh này, phải thực tập tâm từ bi, đem niềm vui đến cho người, giải nỗi khổ cho người, cho chúng sinh. Đệ tử Phật thực hành hạnh từ bi là như vậy.
“Đi đến đâu, đến đâu mình cũng nguyện giải trừ nỗi khổ cho người, đem niềm vui đến cho mọi người.Ở đây tất nhiên phải là niềm vui của giải thoát chứ không phải niềm vui của ngũ dục lạc. Chúng ta nhớ như vậy!”, Thầy Trụ trì Chùa Ba Vàng nhấn mạnh và chỉ rõ rằng: phải đem những điều đó đến cho mọi người thì đó mới là xứng với Hạnh Đức Quan Âm và chúng ta mới cảm ứng được với tâm từ bi này của Đức Quan Âm Bồ Tát. Chúng ta đảnh lễ danh hiệu Chư Phật, Bồ Tát mà cảm ứng được là chúng ta phải có phần tâm tương ứng.
Trong Pháp đàn lễ này, các Phật tử và nhân dân vừa lễ mà vừa để sám hối, sám hối các tội lỗi ác nghiệp mình đã gây từ vô lượng kiếp đến nay. Để sinh khởi được tâm từ bi, thấy thương những người mà chúng ta đã làm khổ họ và từ đó mới có sự tương ứng với tâm từ, tâm bi của Quan Âm Bồ Tát, mới cảm ứng được công đức của các Ngài và chuyển hóa được tất cả những chướng nạn, những quả báo xấu. Đảnh lễ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chúng ta hiểu được những việc như vậy. Tâm từ, tâm bi của Ngài, hạnh nguyện cứu khổ của Ngài, thấy được nhân địa tu hành của Ngài.
Cho nên người đệ tử Phật khi tu hạnh Quan Âm Bồ Tát, cũng phải thường lắng nghe, cũng phải lấy nhĩ căn này để mà lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau của mọi người, của chúng sinh. Chúng ta nhớ phải tập hạnh lắng nghe để cảm thông với mọi người, để chia sẻ với mọi người.
“Người đệ tử Phật, người tu hạnh Quán Âm Bồ Tát luôn luôn biết lắng nghe và nghe nhiều, để cảm thông, để chia sẻ và để tìm cách cứu khổ, ban vui cho mọi người. Chúng ta phải tu tập cái đó. Như vậy chúng ta mới xứng là tu hạnh Quan Âm và mới thực sự là tham dự Pháp đàn lễ Ngũ Bách danh được lợi ích”! - Thầy Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh khẳng định.