Tạo nguồn cơ sở dữ liệu đúng, đủ, rộng
Hiện tại, toàn ngành BHXH Việt Nam có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành; hơn 20.000 tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành phải thường xuyên truy cập, khai thác. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ.
Theo BHXH Việt Nam, chuyển đổi số được xác định là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của ngành, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.
Trên tinh thần đó, những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái BHXH 4.0”. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành BHXH Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong 4 năm liên tiếp (2017 - 2020), BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành và xếp thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.
Sau hơn 1 năm công bố và triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên thiết bị di động thông minh, cả nước đã có gần 30 triệu tài khoản cài đặt và sử dụng ứng dụng. Từ ngày 1.6.2021, người dân có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc... Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 38 tổ chức cuối tháng 11.2021, BHXH Việt Nam được ASSA trao tặng giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục công nghệ thông tin cho ứng dụng “VssID - BHXH số” trên điện thoại thông minh. Điều đó cho thấy sự quan tâm, đánh giá cao của các tổ chức an sinh xã hội quốc tế đối với giải pháp công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia này.
Bên cạnh đó, với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối và chia sẻ.
“Có thể nói, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đẩy nhanh chuyển đổi số trong thời gian qua đã giúp ngành BHXH Việt Nam xây dựng và ngày càng hoàn thiện một nguồn cơ sở dữ liệu đúng, đủ và rộng” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Ông Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường; chuỗi cung ứng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch khiến đời sống người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức, do tạm dừng việc, nghỉ việc, thậm chí mất việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của ngành khi thực hiện các chính sách an sinh.
Điều đó đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải có kế hoạch thích ứng linh hoạt, phù hợp; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm cho người dân. Chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại đa phương tiện, ứng dụng công nghệ, môi trường Internet, mạng xã hội giúp người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm.
Đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành, như xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (big data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
“Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất bị lạc hậu, bỏ lại phía sau. Vì vậy, phải liên tục đổi mới và hoàn thiện, xây dựng, phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh cho mọi người dân và người lao động” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.