Tham dự cuộc làm việc có: Thường trực Ủy ban Đối ngoại; Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz; đại diện Tiểu ban Tăng trưởng xanh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu; đại diện Cơ quan Năng lượng Đan Mạch và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các biện pháp về chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững và công bằng, nhằm hiện thực hóa các cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Trong bối cảnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với sửa đổi Luật Điện lực lần này là bảo đảm hiện thực hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam, từ đó tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững ngành năng lượng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này. Do đó, cuộc làm việc là dịp tốt để các bên trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại hoan nghênh phía Đan Mạch đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam; đề nghị các đại biểu trao đổi cởi mở, đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực nhằm cung cấp thêm thông tin hữu ích cho các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho biết, Việt Nam và Đan Mạch hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng trong hơn 10 năm qua thông qua cơ chế Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Tháng 11.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã có cuộc hội đàm trực tuyến và thống nhất thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa hai nước. Do đó, Đan Mạch luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và ban hành các chính sách về chuyển dịch năng lượng xanh.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đã thông tin tóm tắt về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Trong đó, một nội dung được các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm là chính sách về phát năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam dự kiến xây dựng dự án luật riêng về năng lượng tái tạo, song, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám đã thiết kế một chương riêng về năng lượng tái tạo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, do các quy định liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo như đàm phán giá điện, cam kết sản phẩm tối thiểu, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án phát triển điện… được quy định trong nhiều luật khác nhau nên một yêu cầu rất quan trọng đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu cũng đã nghe đại diện Cơ quan Năng lượng của Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch trong phát triển các chính sách về năng lượng xanh; những khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững và công bằng; nghe đại diện Tiểu ban Tăng trưởng xanh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và đại diện một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam trao đổi về những thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến và nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Đại sứ Đan Mạch, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam trong xây dựng chính sách, pháp luật thời gian tới.