Chất lượng lao động còn hạn chế
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố số liệu và cho biết thêm, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 12,8%; khu vực thành thị là 8,3%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 12,5%; nam là 9,7%. Trong quý I.2024, tổng số lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên tại Việt Nam ước tính 52,4 triệu người; giảm hơn 137.000 người so với quý IV năm 2023.
Cũng theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý IV.2023 và so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I.2024, thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động tại Việt Nam được tổng kết là 7,6 triệu đồng; tăng hơn 300.000 đồng so với quý IV năm 2023 và tăng gần 550.000 đồng so với cả năm 2023.
Những tồn tại của lao động Việt Nam được cho biết là chất lượng hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của thị trường hiện nay; gần 38 triệu lao động tại Việt Nam chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; thị trường lao động quý I vẫn còn những khó khăn, khi tỷ lệ người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động gia tăng. Họ là những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần.
Cụ thể, trong quý I.2024 có 933.000 người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 1,2%; khu vực nông thôn là 2,58%.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, việc tạo việc làm cho thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế; tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo dù cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, song, nhiều người vẫn thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc. Tình trạng thất nghiệp của một bộ phận thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15 - 24 đang là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp, lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những nhóm khác.
Trang bị kỹ năng cần thiết cho người lao động
Theo TS. Nguyễn Hoàng Hà, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số mà Việt Nam đang bắt nhịp rất nhanh với xu hướng chung của thế giới sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Do vậy, các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho thanh niên trong thời đại công nghệ 4.0 quan trọng là trang bị cho họ những bộ kỹ năng để đủ năng lực thích ứng tham gia thị trường lao động mới này.
Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10.1.2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (nơi có nguồn nhân lực dồi dào). Mặt khác, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, chú trọng tạo việc làm mới; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm.
Bên cạnh đó, chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang chính thức. Mặt khác, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn hòa nhập thị trường lao động trong nước.
Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Theo đó, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc làm. Thông qua các hoạt động như hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; cho vay tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài..., dự thảo nêu rõ nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.