Tiếp tục Chương trình làm việc sáng nay, 30.5, các đại biểu khẳng dự án đầu tư đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận là hết sức cần thiết, đúng đắn.
Các ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, đây là một trong những dự án giao thông huyết mạch quan trọng được xác định là dự án cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, dự án này nếu được đầu tư hoàn thành sẽ tạo ra một trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía Tây tỉnh Khánh Hòa, tiếp nối với trục giao thông theo hướng Bắc- Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Ninh Thuận, đồng bộ với mạng lưới đường giao thông theo hướng Đông - Tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận; góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt từ tỉnh Khánh Hòa qua phía Tây tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, giúp mở rộng không gian và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ đối với hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của Khánh Hòa mà còn đối với các địa phương khác thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án, bởi đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kết nối vùng và thực hiện quy hoạch vùng. Đặc biệt hơn, dự án này sẽ giúp hai huyện nghèo miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sớm thoát nghèo; thúc đẩy các phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đặc biệt là kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng; phát triển du lịch, giao lưu văn hóa ở tại địa phương, góp phần tăng cường an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý phương án thiết kế mở rộng lòng đường để đáp ứng các mục tiêu đề ra. Trước đó, toàn tuyến dự kiến nền đường có 9m, lòng đường 6m. Tuy nhiên, với 6m lòng đường như quy định, sẽ khó thực hiện được các nhiệm vụ chính trị mà các đại biểu Quốc hội kỳ vọng.
Liên quan đến dự trù kinh phí thực hiện dự án, trong đó có phần đền bù giải phóng mặt bằng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề: Khu vực này có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng, cần chú trọng chính sách đền bù để người dân có nơi ở mới phù hợp hơn, cao hơn. Dự án cần dự trù kinh phí đền bù, giải phòng mặt bằng đáp ứng đủ yêu cầu. Với 102 tỷ đồng đền bù cho 211 hộ dân, đại biểu đề nghị nên áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu có điều chỉnh các nội dung trong quyết định đầu tư.