Tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ ngày càng đáng báo động, theo đó, cứ 1.000 phụ nữ có thai thì có 24 trường hợp ở tuổi vị thành niên; trong 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên. Theo Niên giám thống kê y tế, mỗi năm có khoảng 250 - 300 nghìn ca phá thai được báo cáo nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, con số thực tế phá thai ở Việt Nam có lẽ sẽ cao hơn nhiều nếu thống kê đầy đủ số lượng nạo phá thai ở các phòng khám tư nhân.

Các chuyên gia nhận định, việc phá thai không những để lại hậu quả cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về tương lai và chất lượng giống nòi. Để nâng cao nhận thức của giới trẻ về việc phòng, tránh thai an toàn, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi bạn trẻ cần tự trang bị kiến thức giới tính, các biện pháp tránh thai an toàn thông qua các nguồn thông tin chính thống. Không nên tự tìm hiểu qua các trang thông tin trên mạng, qua bạn bè thiếu kiến thức hay qua những phim ảnh không lành mạnh.
Cùng với đó, nhà trường cần tăng cường việc đưa giáo dục giới tính vào giờ học, giờ sinh hoạt ngoại khóa để giúp vị thành niên, thanh niên có thêm kiến thức tự bảo vệ mình, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. Ngoài việc truyền thông nâng cao kiến thức về phòng tránh thai an toàn, hệ lụy của nạo phá thai, cũng cần chú trọng vào việc cung ứng các phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản theo hướng thân thiện với vị thành niên, thanh niên; bảo đảm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai. Về phía quản lý nhà nước, cần có biện pháp ngăn chặn nạo phá thai trái phép.