Trong khuôn khổ chương trình giao lưu tương tác liên văn hóa, nghệ thuật khảo cổ - nhạc cổ mang tên gọi “Tiếng đồng đất Việt”, diễn ra chiều 9.3 tại Hà Nội, ông Jacques de Guerny đã giới thiệu cuốn sách “Trống đồng Đông Nam Á” (NXB Tri thức ấn hành), vừa được dịch ra tiếng Việt và giới thiệu với độc giả Việt Nam.
Trong nhiều năm, ông Jacques de Guerny đã đi đến miền Nam Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và các đảo của Indonesia để tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử 2.500 năm của trống đồng. Hành trình khám phá ấy đã giúp ông cho ra đời cuốn sách mang tên "Les Tambours de Bronze de l’Asie du Sud-Est", xuất bản năm 2017 tại Pháp và đã được dịch sang tiếng Anh.

Tác giả cho biết, nhiều trống đồng đã được nghiên cứu, mô tả bởi các học giả địa phương và nước ngoài, nhưng bí mật của chúng vẫn tồn tại cùng với các giả thuyết khác nhau, thường là đối lập để giải thích nguồn gốc và sự phát triển của các tác phẩm tuyệt đẹp này.
Thời đại đồ đồng, từ 3.000 - 1.200 năm trước Công Nguyên, đã tạo ra những đổi mới mang tính cách mạng, trong số đó phải kể đến trống đồng. Đây không chỉ là một loại nhạc cụ thông thường, mà còn đem lại danh tiếng cho những người sở hữu chúng, giúp tạo ra những nghi lễ mới, thậm chí cả những huyền thoại.
Theo Jacques de Guerny, lưu vực sông Hồng chính là quê hương của trống đồng. Những chiếc trống đồng đầu tiên được chế tác ở đây và chúng là những chiếc trống đồng đẹp nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất, bởi sau đó, người ta đã tìm ra những chiếc trống này tận Indonesia. Trên khắp thế giới, không có nhiều đồ vật tồn tại hơn 2.000 năm mà vẫn giữ được vẻ đẹp như trống đồng…
“Trống đồng Đông Nam Á” gồm 3 chương: Những nền tảng để hiểu; Hành trình qua các nước có trống đồng; Tổng hợp: Thực tế và diễn giải. Qua đó, tác giả kể về nguồn gốc, cách chế tạo, phong cách, cách sử dụng của trống đồng. Tác phẩm cũng đưa ra cái nhìn tổng quan về những chiếc trống đồng và nhận xét của các chuyên gia…
Tham dự chương trình, GS.TS. Trịnh Sinh chia sẻ: "Quyển sách rất có giá trị bởi tác giả có tầm nhìn ở Đông Nam Á, những nước có trống đồng. Đương nhiên, với góc độ của nhà nghiên cứu khảo cổ lâu năm ở Việt Nam, tôi thấy cũng có những quan điểm cần thảo luận, nhưng dẫu sao ông Jacques de Guerny yêu Việt Nam, yêu di sản trống đồng rất đẹp của Việt Nam. Đó là điều đáng trân trọng".
Bên cạnh giới thiệu về cuốn sách, trong khuôn khổ chương trình “Tiếng đồng đất Việt”, các nghệ sĩ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã giới thiệu những tác phẩm có sử dụng nhạc khí bằng đồng trong âm nhạc cổ truyền. Chương trình là một câu chuyện kể bằng chữ và với thanh âm của ca nhạc cổ truyền về những biểu tượng cốt cách văn hóa và những truyền thống, bản sắc cội nguồn mà người Việt ta đã tạo dựng ra trong lịch sử dài lâu của nước nhà.