Cảnh báo nhiều hệ lụy
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2014 - 2019, toàn ngành đã giải quyết cho gần 3,7 triệu người nhận BHXH một lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người nhận BHXH một lần - tương đương số người tham gia mới trong năm). Nếu so sánh về tỷ lệ, thì số người nhận BHXH một lần so với số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm bình quân 4,58% - tương đương tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014 - 2019 là 5,72%.
Những người nhận BHXH một lần chủ yếu từ 20 - 39 tuổi, trong đó, nhiều nhất là từ 25 - 29 tuổi (chiếm 27,6%); số người có trên 10 năm đóng BHXH có xu hướng nhận BHXH một lần ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng đang đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Bởi việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người lao động cũng như với gia đình họ và xã hội; là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH trong cả nước tăng chậm.
Các chuyên gia an sinh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận BHXH một lần tăng là do thiết kế chính sách BHXH hiện hành còn những rào cản, dẫn tới chưa có khả năng thu hút sự tham gia của người lao động. Cụ thể, quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu dài, dẫn đến giảm nỗ lực tiếp tục tham gia đóng góp của một bộ phận người lao động; điều kiện nhận BHXH một lần khá dễ dàng, mức hưởng cao hơn so với mức đóng góp của người lao động (mức đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất - một năm đóng 0,96 tháng lương, trong khi lại được hưởng từ 1,5 - 2 tháng lương cho mỗi năm đóng)…
Sửa đổi quy định về nhận BHXH một lần
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để tránh tình trạng nhận BHXH một lần và thu hút nhiều người tham gia vào hệ thống BHXH, chính sách BHXH cần quy định giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm hoặc thấp hơn để người tham gia được hưởng lương hưu.
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), để hạn chế tình trạng này, Chính phủ cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về nhận BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, nhằm hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. Cụ thể, cần sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt, giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, tăng sức hấp dẫn và liên kết giữa các chế độ BHXH...
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, tình trạng gia tăng nhận BHXH một lần là thực tế đáng quan ngại. Theo đó, người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất, dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai; đồng thời, tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH và bảo đảm an sinh xã hội đất nước. Do đó, khi sửa đổi Luật BHXH, cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo.
“Cần phải có quy định hạn chế hưởng BHXH một lần nhằm bảo đảm các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ thành viên trong xã hội” - đại biểu Nguyễn Hải Anh kiến nghị.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cuối tháng 10.2021, Chính phủ đã có phiên họp bàn về nội dung Luật BHXH (sửa đổi), nhằm thể chế hóa Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Trong đó, có một số nội dung đã được triển khai như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách nhà nước. Trong đó, có quy định điều chỉnh hưởng chính sách BHXH một lần, phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức.