Dự kỳ họp có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Quỳnh Thơ; Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim; Phó Tổng Kiểm toán Khu vực II Ngô Thanh An…
Nghiên cứu kỹ, thể hiện rõ chính kiến, tạo thống nhất cao
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 144 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự tập trung cao của hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế xếp thứ 20 cả nước, đứng thứ 2 Bắc Trung Bộ. Dự án VSIP giai đoạn 1 được khởi công; dự án Khu công nghiệp Vinhomes của Tập đoàn Vingroup tại Khu Kinh tế Vũng Áng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với quy mô gần 1.000ha, tổng mức đầu tư hơn 13.200 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả thiết thực. Du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc. Giải ngân vốn đầu tư công nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội bảo đảm…
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; việc thực hiện một số chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh hiệu quả chưa cao; hoạt động của doanh nghiệp, lĩnh vực du lịch, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn; một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị, phản ánh chưa được giải quyết thỏa đáng…
Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho biết: Kỳ họp này sẽ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 và thông qua một số cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh... Đồng thời, sẽ xem xét 8 báo cáo thường kỳ của UBND tỉnh; 7 báo cáo, 2 tờ trình của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh; 5 báo cáo của các cơ quan liên quan; 28 nội dung ban hành nghị quyết (trong đó có 23 nghị quyết chuyên đề); thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn; miễn nhiệm, bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết: Chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; tiêu chí thành lập và mức chi hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh; đề án phân loại đô thị thành phố Hà Tĩnh; đề án công nhận thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc là đô thị loại IV; đặt tên một số tuyến đường và điều chỉnh, sáp nhập, đặt tên, đổi tên một số thôn, tổ dân phố tại các huyện; bãi bỏ, sửa đổi một số văn bản của HĐND tỉnh, UBND tỉnh không còn phù hợp với thực tiễn và một số nội dung khác.
Để hoàn thành chương trình kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ các nội dung, tham gia thảo luận, thể hiện rõ chính kiến, tạo sự thống nhất cao để HĐND quyết định.
Kinh tế - xã hội có xu hướng phục hồi
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động triển khai kịp thời nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. Do đó, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt những kết quả tích cực.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,6%, trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 10,7%2; nông nghiệp tăng 2,64%; dịch vụ tăng 6,75%. Ngành công nghiệp tăng trưởng đạt 9,33%. Sản xuất vụ Xuân đạt kết quả cao. 6 tháng đầu năm có thêm huyện Lộc Hà đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành thẩm tra, đề xuất Trung ương công nhận huyện Kỳ Anh đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...
Khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; doanh thu bán lẻ đạt 34.322 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,1 tỷ USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.495 tỷ đồng, đạt 54% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 25.051 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch; giải ngân đầu tư công đạt 2.379 tỷ đồng, đạt 43,5% kế hoạch…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả khá toàn diện. Có thêm một hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Thể thao thành tích cao tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực. Chính sách lao động việc làm, người có công và an sinh xã hội được triển khai đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm hay… Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 11.300 người, đạt 50% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổ chức 50 phiên giao dịch, giới thiệu việc làm cho 3.105 lượt lao động.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp 2.606 lượt người đến khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh; tiếp nhận, xử lý 2.386 đơn thư; giải quyết 842/1.055 vụ việc (80%). Thực hiện 151 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện sai phạm tại 296 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền sai phạm hơn 14 tỷ đồng… Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội….
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mức đề ra, tạo áp lực cho nửa năm còn lại. Công nghiệp chưa phục hồi rõ nét. Tăng trưởng ngành nông nghiệp còn thấp so với các tỉnh trong khu vực; tiến độ giải ngân một số dự án còn thấp; việc xác định giá đất các dự án chậm, công tác giải phóng mặt bằng một số nơi còn nhiều vướng mắc; hoạt động của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 còn vướng mắc...
Rà soát, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: những tháng cuối năm, đòi hỏi các cấp, ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục tồn tại, hạn chế, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung hành động quyết liệt, chú trọng tập trung cao hơn nữa cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm năm 2024 và giai đoạn 2021-2025: rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu đã đề ra…
Bên cạnh đó, thực hiện các nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng lộ trình, hướng dẫn của Trung ương gắn với thực hiện đồng bộ Quy hoạch tỉnh, các quy định, chính sách giải quyết, sắp xếp trụ sở, cán bộ dôi dư. Phối hợp chặt chẽ bộ, ngành Trung ương sớm trình phê duyệt kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh; bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Nghiên cứu, xây dựng các quy định triển khai chế độ tiền lương mới gắn với Đề án vị trí việc làm, quản lý giá.
Cùng với đó, tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ tỉnh xây dựng nông thôn mới, tập trung nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch: Tạo mọi điều kiện hỗ trợ Formosa, VinES bảo đảm kế hoạch sản xuất kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn (Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy pin lithium, KCN Bắc Thạch Hà)… Tiếp tục đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất; nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Đồng thời, chủ động theo dõi, dự báo tình hình thị trường, biến động cung cầu hàng hóa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án, chính sách về phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu.
Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách; sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng hỗ trợ phục hồi kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, như: chỉ đạo quyết liệt thu ngân sách, tăng cường hậu kiểm, chống thất thu, thu hồi nợ thuế; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa bão… Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế; phát huy vai trò các Tổ công tác 467, 477 tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giải quyết hiệu quả các vụ việc tồn đọng kéo dài.
Bên cạnh đó, quan tâm các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, như: Ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa… Tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập; quan tâm đầu tư phát triển Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phòng chống tác hại thuốc lá, tai nạn đuối nước cho học sinh, sinh viên…
Đồng thời, UBND tỉnh cũng sẽ thực hiện hiệu quả công tác quản lý xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, tư pháp; bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác đối ngoại…
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, cử tri và Nhân dân có ý kiến, kiến nghị có thể liên hệ qua số điện thoại: 02393.853.032, hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ: thuky.hdndht@hatinh.gov.vn.