Hà Tây không chỉ có lợi thế là cận kề thủ đô, tâm điểm của khu vực đồng bằng sông Hồng mà còn là tỉnh giàu tiềm năng về nhiều lĩnh vực. Với diện tích tự nhiên hơn 2.192 km2, hệ thống giao thông liên hoàn rất thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Dân số Hà Tây 2,6 triệu người, trong đó ngót 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Nằm bao quanh Hà Nội cả phía Tây, Tây Nam và phía Nam Hà Tây, có 5 tuyến đường quốc lộ vào Thủ đô là quốc lộ 1 A, Pháp Vân-Cầu Giẽ (1B), Láng-Hòa Lạc, quốc lộ 6, quốc lộ 32, ngoài ra còn có sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy và 30 tuyến đường tỉnh lộ với chiều dài hơn 350km; có đường sắt Bắc Nam chạy qua.
Với vị trí, điều kiện tự nhiên đặc biệt và lịch sử văn hóa lâu đời, Hà Tây có tiềm năng lớn phát triển du lịch văn hóa-lễ hội, du lịch làng nghề, sinh thái, thắng cảnh, nghỉ dưỡng, giải trí... Hà Tây còn là một trong ba tỉnh có số lượng làng nghề cao nhất cả nước (1.160 làng nghề) chiếm 76% tổng số làng, bản, với hơn 200 làng nghề truyền thống và hơn 200 nghìn lao động trực tiếp sản xuất, đạt giá trị ngót 2.500 tỷ đồng/năm.
Với lợi thế và tiềm năng như vậy, đáng lẽ trong những năm đổi mới, Hà Tây phải là một địa phương phát triển mạnh như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân đã kìm hãm sự phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, làm trì trệ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công nghiệp Hà Tây tăng chậm, nông nghiệp phát triển cầm chừng, đặc biệt nhiều trở ngại đã khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngán ngại không muốn đầu tư vào tỉnh. Năm 1994, Phó thủ tướng Trần Đức Lương ký quyết định về quy hoạch phát triển ngành xi măng, trong đó có các nhà máy lò quay Mỹ Đức (Hà Tây), Bút Sơn (Hà Nam), Tam Điệp (Ninh Bình), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hoàng Mai (Nghệ An)... Hơn 10 năm qua, hầu hết các nhà máy đó đều đã được xây dựng, đi vào sản xuất. Không những thế, hàng chục nhà máy xi măng khác còn được xây dựng ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Bình, Bình Phước... Cùng trong quy hoạch, Nhà máy Xi măng Bút Sơn (Hà Nam) khởi công năm 1995, sản xuất từ năm 1998. Mỗi năm nhà máy này nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng và đầu năm 2007 này khởi công xây dựng dây chuyền 2 nâng công suất lên 2,8 triệu tấn/năm. Trong khi đó, dự án nhà máy xi măng Mỹ Đức (Hà Tây) vẫn trong tình trạng “đắp chiếu nằm chờ”. Không ít doanh nhân có ý định đầu tư dự án vào tỉnh nhưng gặp quá nhiều vướng mắc nên lặng lẽ rút lui, chuyển hướng đầu tư sang Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh... Do việc giải quyết của các cấp chính quyền thiếu đồng bộ, không đúng pháp luật, đầu những năm 2000 tình hình đầu tư vào tỉnh còn khó khăn hơn. Do đó, Hà Tây xếp thấp nhất trong cả nước về môi trường đầu tư. Cho đến nay, tỉnh vẫn chưa cân đối được ngân sách, hàng năm Trung ương vẫn phải chi viện hàng nghìn tỷ đồng..
Từ sau Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, Hà Tây mới thật sự bứt phá trên chặng đường mới về phát triển kinh tế-xã hội. Nội bộ lãnh đạo đoàn kết thống nhất, tập trung sức lực, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư về đất đai, thuế, giải phóng mặt bằng, cung ứng lao động. Giải pháp mới được thực hiện là: khi tạo ra khu công nghiệp, khu đô thị, tỉnh tiến hành giải phóng mặt bằng xong mới giao đất cho dự án. Các chủ đầu tư chỉ việc lo xây lắp nhà xưởng và đi nhanh vào sản xuất kinh doanh. Do thông thoáng về cơ chế, cải thiện môi trường đầu tư, năm 2006 kinh tế Hà Tây đã khởi sắc. Lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), trong 19 năm trước, toàn tỉnh có 59 dự án với tổng số vốn gần 653 triệu USD, thì riêng năm 2006 Hà Tây đã thu hút 19 dự án mới với tổng số vốn đăng kí hơn 800 triệu USD. Hiện Hà Tây đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI. Trước đây, bình quân 1 dự án chỉ trên 10 triệu USD, năm 2006 các dự án đạt bình quân trên 40 triệu USD; Có dự án trên 300 triệu USD được cấp phép vào thời điểm cuối năm. Như vậy, cho đến nay Hà Tây đã có khoảng 80 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 1,5 tỉ USD. Hiện nay Hà Tây nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài.
Tạo được bước ngoặt về nhận thức và xây dựng được chương trình hành động, năm 2006 Hà Tây đạt mức tăng trưởng GDP 13,8%, thu ngân sách đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Song điều quan trọng nhất là Hà Tây có sự chuyển biến về chất trong nền kinh tế thị trường; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả và đẩy mạnh chương trình hội nhập kinh tế thế giới. Giai đoạn 2006-2010, tổng mức đầu tư toàn tỉnh cần khoảng 55.000-60.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; Với tốc độ tăng vốn 20-21%, mỗi năm đặt ra thách thức mới: số dự án đầu tư vào công nghiệp của tỉnh phải đạt 86,4%, nông-lâm nghiệp 8,7% và du lịch-dịch vụ 4,9%. Phát huy được tiềm năng và lợi thế, Hà Tây sẽ gặt hái những kết quả cao hơn.
Kim Quốc Hoa