Trước thực trạng này, UBND thành phố đã có những động thái quyết liệt để đẩy mạnh xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong quý I.2023, lực lượng công an đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn của Hà Nội chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước.
Ba tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với quý liền kề; giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp tại các tuyến trục chính và nội đô. Các tổ công tác 141 đã xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó 2.532 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 2.532 phương tiện; phát hiện 35 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao 41 đối tượng cho các đơn vị chức năng điều tra, giải quyết.
Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt vi phạm về nồng độ cồn mà số vụ tai nạn giao thông đã giảm sâu trên địa bàn Thủ đô. Người dân dã nhận thức sâu sắc về vấn đề an toàn giao thông, chủ động nâng cao ý thức trong việc chấp hành luật giao thông cũng như xây dựng văn hóa giao thông.
Mạnh tay với tài xế "ma men"
Tại công văn 348/UBND-ĐT ban hành tháng 2 năm 2023, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Cũng trong công văn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề cao chủ trương "nghiêm cấm việc can thiệp", nhằm nghiêm cấm hành vi can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng thực thi hành công vụ. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thường xuyên quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý tự giác chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nếu cán bộ do mình quản lý vi phạm thì người đứng đầu các đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Với các trường hợp cán bộ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Sở Nội vụ được giao nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung này vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.
Chia sẻ với phóng viên, Chị Mai Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chủ trương của UBND thành phố là biện pháp "mạnh tay" để người dân thực hiện nghiêm quy định "Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông". Vi phạm về nồng độ cồn chính là tội ác khi tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng vì tài xế sử dụng bia, rượu, chất kích thích.
Anh Nguyễn Việt (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố. Bản thân anh quán triệt đã sử dụng rượu, bia sẽ không lái xe, thay vào đó là sử dụng dịch vụ xe công nghệ hoặc nhờ người thân đến đón để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng.
Anh Việt cũng khẳng định, việc nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ là một chủ trương quyết liệt, đúng đắn và công bằng để nghiêm trị những hành vi tiếp tay cho "ma men" gây ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của người dân.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, đối tượng đã uống rượu bia khi đang điều khiển ô tô phải chịu mức phạt tiền kịch khung lên tới 40 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng và tạm giữ xe đến 10 ngày làm việc.