Vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai
Sáng 5.7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XVI thuộc nội dung về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận và những vấn đề đã hứa, cam kết tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đã nêu một số khó khăn trong công tác rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn. Nổi lên, là số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật...
Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm được UBND thành phố xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành thành phố; nhưng cũng là nhiệm vụ lớn, phức tạp. Do đó, cần tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xử lý nghiêm các trường hợp không khắc phục, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm, chây ì, không chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền; tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trong đó, thành phố tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm còn lại (nằm trong 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất); tiếp tục kiểm tra, thanh tra và kết luận đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý.
“Đến nay, UBND thành phố đã xem xét, chỉ đạo đối với 64 dự án tại huyện Mê Linh; 11 dự án tại huyện Quốc Oai; 28 dự án tại huyện Thạch Thất; 50 dự án tại quận Cầu Giấy và 62 dự án tại quận Nam Từ Liêm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quy hoạch, quản lý đất đai
Về quy hoạch xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Hà Nội đã phê duyệt 35/35 đồ án quy hoạch phân khu; 14/14 quy hoạch chung huyện, thị xã; 11/11 quy hoạch chung thị trấn; 3/3 quy hoạch thị trấn sinh thái; 5/5 đồ án quy hoạch chung đô thị vệ tinh; 6/31 quy hoạch phân khu khu đô thị vệ tinh; 401/401 quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 308 xã (293 xã được phê duyệt, đạt 95,12%; đang lập, chưa phê duyệt là 6 xã, đạt 1,94%; chưa lập quy hoạch 9 xã, khoảng 2,92% thuộc huyện Gia Lâm); tổng số điểm dân cư nông thôn cần lập quy hoạch chi tiết là 626 điểm (đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết 140 điểm, đạt 22,36%; đang thực hiện lập, chưa phê duyệt 297 điểm, đạt 47,44%; chưa lập quy hoạch 202 điểm, khoảng 32,26%).
Về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch đặc thù, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ và bộ chuyên ngành phê duyệt 6/7 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật thành phố; đồng thời, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo triển khai lập các đồ án, nhiệm vụ quy hoạch, như: Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Làng dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và Làng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm; các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh (25 đồ án)...
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cung cấp phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện để nghiên cứu, xây dựng quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; làm cơ sở tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, ban hành 18 quyết định phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện của 18 huyện, thị xã Sơn Tây (12 quận còn lại không phải lập quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013).
Đối với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết: các sở, ngành thành phố đã tăng cường, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện công vụ, từng bước được chuẩn hóa, thay đổi tư duy, phong cách làm việc, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân; nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả; thực hiện và duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông với các thủ tục hành chính được cải cách, bảo đảm 3 giảm - giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí.