Theo đó, Hội nghị tập trung đánh giá sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Quốc Khánh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Dũng; các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ…
Các hủ tục lạc hậu dần được xoá bỏ
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27 và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09, Hà Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn, tổ chức cưới theo nếp sống văn minh; vận động, can thiệp hoãn 330 cặp chưa đủ điều kiện kết hôn. Các hủ tục trong đám tang dần được loại bỏ, không còn hiện tượng mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn… bài cúng của thầy mo, thầy tạo được rút ngắn; hạn chế giết mổ nhiều gia súc, rượu chè linh đình nhiều ngày; thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ, thi hài người chết được chôn cất chu đáo. Các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, tiết kiệm...
Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Thông tin tới Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn khẳng định: sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27 và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, linh hoạt và sáng tạo trong tổ chức thực hiện đã có rất nhiều các mô hình hay, cách làm sáng tạo; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tạo sức lan tỏa rộng rãi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Việc ban hành Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 là rất trúng với tâm nguyện của người dân, thực sự đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả nổi bật, đúng như kỳ vọng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, giới thiệu những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực; biểu dương, khen thưởng 33 tập thể và 55 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Lấy kết quả thực hiện xóa bỏ hủ tục tiêu chí đánh giá năng lực
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh biểu dương các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt chúc mừng 33 tập thể, 55 cá nhân có thành tích tiêu biểu thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Đồng thời, phân tích đánh giá tổng quát công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và những kết quả nổi bật sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27 và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09.
Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến nay Nghị quyết số 27 và Chỉ thị số 09 đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, được Nhân dân đồng thuận và hưởng ứng. Quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả; đã có nhiều đám cưới, đám tang thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 27, Chỉ thị số 09, giúp Nhân dân tiết kiệm chi phí, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần giúp bà con giảm nghèo bền vững.
Chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, người đứng đầu Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần thường xuyên, liên tục, bền bỉ, “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp - dẹp cái xấu”. Tiếp tục quan tâm, phát huy tốt vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ, các thầy cúng.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cũng yêu cầu cần quan tâm tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là lấy mô hình tiêu biểu, tấm gương cụ thể để người dân học, trực tiếp nói cho nhau nghe, làm theo. Quan tâm giáo dục cho con em, thế hệ trẻ hiểu đâu là hủ tục cần xóa bỏ, đâu là bản sắc văn hóa cần giữ gìn phát huy. Phân công lãnh đạo phụ trách, theo dõi địa bàn bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo liên tục, bài bản; lấy kết quả thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh là tiêu chí đánh giá tập thể, cán bộ, đảng viên hàng năm. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, động viên khen thưởng kịp thời những gương điển hình trong cộng đồng cũng như xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm. Các lực lượng vũ trang cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động Nhân dân…