Chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch
- Kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng năm 2022 ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, nỗi lo về xuất nông sản bị “quay đầu”, ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc vẫn luôn thường trực, ông đánh giá gì về thực trạng trên?
- Những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì ngành nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò của mình. Nông nghiệp là một điểm sáng, giúp ổn định nền kinh tế.
Rõ ràng, với kết quả như đã nêu ở trên, xuất khẩu nhóm ngành nông, lâm, thủy sản trở thành “gam màu sáng” trong xuất khẩu chung của cả nước trong 5 tháng năm 2022 và chiếm 8,55% tổng kim ngạch. Trong đó nổi bật là xuất khẩu thủy sản, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 1,1 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, xuất khẩu thủy sản mang về 4,75 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, nhìn lại ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần có giải pháp khắc phục ngay để giúp người dân yên tâm sản xuất, xoá đi nỗi lo về xuất nông sản bị “quay đầu”, ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc vẫn luôn thường trực.
Chúng ta đã đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, từng bước khắc phục thực trạng được mùa mất giá,… nhiều lần, nhưng việc khắc phục được thực trạng đó thì không thể trong một sớm một chiều. Nhưng phải nhìn nhận thực tế, quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề này cũng chưa cao. Bởi vì, rõ ràng thực trạng đó không phải mới xảy ra, mà đã tồn tại từ lâu.
Hiện nay, nhiều nông sản vẫn phải xuất nhập khẩu bằng con đường tiểu ngạch với nhiều bấp bênh, phụ thuộc thị trường. Tất nhiên, để tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp, tái cấu trúc cây trồng, vật nuôi, để người dân nuôi trồng theo đúng quy hoạch thì rất phức tạp, khó thực hiện. Nhưng điều ngành nông nghiệp có thể làm là có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu việc xuất khẩu hàng hóa nông sản qua con đường tiểu ngạch.
Thực tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua đường chính ngạch thời gian qua đã có sự thay đổi khá tích cực. Dù sản lượng chưa lớn, nhưng nhiều mặt hàng nông sản như hoa quả được người dân đăng ký sản xuất đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, theo tôi, những việc làm đó chưa tương ứng với tiềm năng của nông nghiệp Việt.

Trước thực trạng nông sản hàng hoá bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc, các cơ quan chức năng đã có đàm phán với phía Trung Quốc để giải quyết việc hàng hóa nông sản ùn ứ tại cửa khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kết hợp với Bộ Công thương để có các lô hàng đủ lớn, bảm đảm các tiêu chuẩn ký thuật, an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ,… Tuy nhiên, số lượng các mặt hàng và số lượng hàng nông sản xuất sang các thị trường này vẫn chưa đủ lớn so với sản lượng nông sản Việt…
Sản xuất theo thị hiếu người tiêu dùng
- Có ý kiến cho rằng, hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp chưa thoát khỏi "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
-Những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam tuy đã có chuyển động theo hướng kinh tế thị trường nhưng vẫn mang tính tự cung, tự túc, tự cấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ nực trong việc nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa, khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường.
Các địa phương cũng chủ động tìm hiểu, cung cấp thông tin thị trường các nước, định hướng sản xuất cho người dân,... Từ đó, đưa ra những khuyến cáo, quy hoạch hữu ích, đáng tin cậy cho từng vùng trồng, vùng nuôi và người sản xuất và doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sản xuất góp phần nâng cao quy mô vùng trồng, sản lượng, chất lượng nông sản.
Tuy vậy, nhiều sản phẩm nông sản chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn của thị trường, kể cả thị trường trong nước và càng không thể xuất khẩu. Muốn xuất khẩu được, trước tiên người sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi cần quán triệt tinh thần là “bán ra cái mà thị trường cần chứ không phải bán cái mà mình có”. Các nông hộ, vùng trồng, vùng nuôi cần sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo thị hiếu người tiêu dùng.
Để nông nghiệp Việt thoát khỏi thực trạng trên và hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa bán ra thị trường thế giới, nền nông nghiệp truyền thống cần chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa sản xuất với tư duy kinh tế thị trường. Vì đây là hướng đi tất yếu của sự phát triển.
Phải chuẩn hóa chất lượng
- Đâu là các giải pháp giúp nông sản Việt cất cánh, hạn chế tình trạng sản xuất manh mún và thoát tình trạng được mùa mất giá, thưa ông?
- Theo tôi, để thực hiện được mục tiêu trên chúng ta phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Vì suy cho cùng, ngành nông nghiệp có thuộc tính liên ngành rất cao và được vận hành theo kinh tế thị trường, có quy luật cung cầu, cạnh tranh. Vì vậy, không thể áp dụng một biện pháp riêng biệt nào là có thể thay đổi được.
Để ngành nông nghiệp không còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, phục thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống,… có lẽ trước tiên cần thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong kinh tế thị trường gồm có kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo. Có như vậy, các cơ quan chức năng mới xác định rõ các mục tiêu phát triển nắm bắt được nhu cầu và xu thế thị trường, tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế đang áp dụng. Từ đó, giúp người dân tìm ra hướng đi đúng, quy hoạch phù hợp, rõ ràng, chiến lược để thích ứng phát triển nhanh, bền vững. Tiếp đó, cần giúp người dân thực hiện đúng các quy hoạch, tránh tự phát, làm theo phong trào.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn, thành tựu khoa học công nghệ, chế biến, chế tạo vào sản xuất, chế biến nông sản,... nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng của nông sản hàng hóa.
Nông nghiệp là một ngành chuyển động mạnh. Vì vậy cần thúc đẩy nghiên cứu, giúp người dân ứng dụng các giống cây trồng mới vào canh tác sản xuất, điều này sẽ giúp đa dạng các mặt hàng nông sản. Tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế cho các nông hộ, tạo thành các vùng nguyên liệu đủ lớn, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng hiện đại hoá, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu…
Thực tế, thị trường các nước kể cả Trung Quốc đang ngày càng khó tính, chính quyền siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu chúng ta vẫn chậm thay đổi, vẫn giữ quen dễ tính trong sản xuất nông nghiệp thì sản phẩm tạo ra khó đạt chất lượng cao. Để hạn chế việc nông sản bị quay đầu và ùn ứ, không thông quan được, thì người dân cũng cần thay đổi nhận thức về tiêu chuẩn chất lượng nông sản.
Một yếu tố quan trọng nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban, ngành hữu quan và các địa phương cần phối hợp tổ chức lại ngành hàng sản xuất, thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng hoàn thiện chiến lược xuất khẩu nông sản, để nông sản Việt Nam rộng cử nhập khẩu sâu vào các nước, ở phân khúc thị trường cao cấp.
- Xin cảm ơn ông!