Nên quy định thẩm phán chỉ bổ nhiệm một lần
Đa số ĐBQH cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27); khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn.
Cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, đưa vào dự thảo luật những nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo ý kiến của các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với dự thảo luật.
Về nhiệm kỳ thẩm phán, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành quy định của dự thảo luật. Theo đó, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu; thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu. Lý lẽ đưa ra là quy định này bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết số 27 của Trung ương, phù hợp với chức danh thẩm phán là chức danh tư pháp đặc thù do Chủ tịch nước bổ nhiệm, tạo điều kiện để thẩm phán thực sự yên tâm công tác, góp phần bảo đảm nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đồng tình với quy định này, song ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết còn băn khoăn về quy định thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm. Khoản 2 Điều 100 của dự thảo luật quy định thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, dẫn đến có thể hiểu là bổ nhiệm lại thì không có thời hạn.
Như vậy, quy định thời hạn bổ nhiệm thẩm phán như dự thảo luật chưa có sự thống nhất giữa chế độ bổ nhiệm có thời hạn và bổ nhiệm không thời hạn. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật thì thẩm phán là chức danh tư pháp, chức danh nghề nghiệp, không phải là người giữ chức vụ trong hệ thống Tòa án Nhân dân được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác của Tòa án Nhân dân. Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị, nghiên cứu sửa đổi Khoản 2 Điều 100 theo hướng không quy định về việc bổ nhiệm lần đầu và bổ nhiệm lại đối với thẩm phán mà nên quy định thẩm phán chỉ bổ nhiệm một lần.
Hạn chế phát sinh chi phí do thay đổi tên gọi
Về đổi mới Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử quy định tại khoản 1 Điều 4, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nNhân dân cấp huyện”. Đối với Tòa án Nhân dân Tối cao, đề nghị quy định như dự thảo luật trình Quốc hội.
Do đó, khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật được xây dựng theo 2 phương án. Theo đó, điểm c, khoản 1, Điều 4 quy định Phương án 1: Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành); Phương án 2: Tòa án Nhân dân phúc thẩm;
Điểm d, khoản 1, Điều 4 quy định Phương án 1: Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành). Phương án 2: Tòa án Nhân dân sơ thẩm;
Đa số ĐBQH tán thành với phương án 1 giữ nguyên tên gọi của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và Tòa án Nhân dân cấp huyện như hiện hành. Theo ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), hiện nay mô hình tòa án đang tổ chức theo mô hình 4 cấp. Đây là mô hình tổ chức có sự kết hợp giữa mô hình tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức theo cấp xét xử. Việc đổi tên gọi như dự thảo luật chỉ là vấn đề hình thức mà không thay đổi về nội dung và phương thức. Trong khi đó, việc đổi tên cũng dẫn tới không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương như cơ quan điều tra, viện kiểm sát… dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan; phát sinh chi phí tuân thủ như con dấu, các biển hiệu…
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, hiện nay, mặc dù tên gọi của tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương; về cơ cấu tổ chức vẫn thuộc sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương.
"Hệ thống tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật. Để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan thì quy định như phương án 2 là không cần thiết, việc đổi mới không tạo những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
- Kiên Giang: Hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
- Quảng Ninh: Góp ý hoàn thiện dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
- Hội thảo Một số nội dung cơ bản của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
- Sửa đổi Luật Tổ chức Toà án nhân dân: Rất mạnh dạn nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng hơn
- Những đề xuất sửa đổi quan trọng của Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)