
Tổng Thịnh Liệt (trước thế kỷ XV còn gọi là Cổ Liệt) tên Nôm là tổng Sét, vốn có 9 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Đây là vùng quê cổ, nổi tiếng từ thế kỷ XIII, đã được Nguyễn Trãi nhắc đến trong sách Dư địa chí. Tổng Sét là vùng đầm hồ và sông nước mênh mông, sông Sét thông với sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Kim Ngưu, giao thông thủy rất tiện lợi. Các làng trong tổng Sét, duy nhất Giáp Lục có tên Nôm là làng Sét. Sông Sét chảy bên làng, cầu Sét ở phía tây làng.
Giáp Lục là một làng nhỏ, trước kia chỉ có chừng 150 người, khi họp việc làng thì có khoảng 40 suất đinh; nhưng vẫn “nhất xã nhất thôn”, có lý trưởng và con triện riêng. Giáp Lục có nhiều di tích cổ, tiêu biểu là chùa Sét, tên chữ là Đại Bi tự. Chùa còn lưu giữ 4 tấm bia cổ (dựng các năm 1635, 1690, 1691) do các vị đại khoa soạn văn bia. Làng còn có Phủ Bích Tiên, thờ Mẫu Liễu Hạnh, tọa lạc gần bên chùa Sét. Trong thời gian bị tạm chiếm, dân làng xây thêm ngôi chùa Am bên bờ sông Sét để thờ Phật Pháp Vân. Giáp Lục cũng có Văn chỉ thờ các bậc tiên Nho. Đình làng thờ Tổ nghề dát thiếc là tiến sỹ Nguyễn Chính, người làng Linh Đường, liền kề với Thịnh Liệt, lấy vợ người tổng Thịnh Liệt rồi về sống ở Sét. Năm 41 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Dần, niên hiệu Hoàng Định thứ 4 (1602). Nguyễn Chính từng làm Phó sứ sang nhà Minh, học được nghề dát thiếc, sau về truyền dạy cho dân làng Giáp Lục. Ở Giáp Lục, con trai mười lăm mười bảy tuổi đã bắt đầu học nghề dát thiếc và chỉ đôi ba năm sau là có thể tự lập. Nhờ nghề này, người Giáp Lục giữa vùng đầm hồ, sông nước đã trở nên khá giả hơn nhiều.
Ngôi đình xưa của Giáp Lục dựng từ thế kỷ XVII, gồm 3 gian Hậu cung và 5 gian Đại bái. Những thần tích, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối... được nhiều thế hệ người làng gìn giữ, tiếc thay, tháng 12.1972, bom B52 của Mỹ đã phá hủy toàn bộ ngôi đình. Từ đống đổ nát, nhân dân đã cố tìm lại các di vật cổ, nhưng chỉ còn lại 3 đạo sắc phong thần. Những năm đất nước đổi mới, mở cửa, dân Giáp Lục nhớ tiếc di tích xưa, đã dựng lại ngôi đình trên thân đất cũ; và truyền thần chân dung tiến sỹ Nguyễn Chính, vị thành hoàng làng, thờ ở Hậu cung.
Hàng năm, người Giáp Lục tế lễ tại đình vào ngày hóa của thần là 18 tháng Giêng; còn hội thu tế thì tổ chức từ ngày 13 - 16.8, có lễ rước văn náo nức vào sáng 14.8. Buổi tối hôm đó có tế xướng ca, sau đó là các tiết mục hát ca trù. Nhiều năm, cuộc hát kéo dài đến sáng hôm sau. Qua hội hè, hình thành những nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng. Trẻ nhỏ từ 4 - 5 tuổi đã xin vào làng, lễ yết kiến thánh ở đình là 1 chai rượu và 100 khẩu trầu. Sau đó, mỗi khi ra đình, trẻ nhỏ cũng mặc áo dài, quần trắng và đi giầy Ký Long. Ngày hội đình, mỗi người đã vào làng đóng 3 hào. Ra đình, cứ 6 người một bàn, các bàn ngồi theo thứ tự đã quy định. Mỗi hội có một ông đăng cai, đã được hưởng một phần lúa sung túc, nên có trách nhiệm lo cơm nước, trà thuốc cho mọi người. Mỗi bàn có một ông trưởng. Riêng ông trưởng bàn 5 phải lo quét dọn, treo cờ trong ngày hội... Hội làng Giáp Lục đúng dịp trung thu, nên không làng nào ăn Tết Trung thu vui tưng bừng như ở Giáp Lục!
Trải bao thăng trầm, ly loạn, dẫu ngày nay cảnh sắc đã khác xưa, trong tâm khảm con người nơi đây vẫn luôn đầy ắp ký ức về một Giáp Lục cổ kính, về những ngày hội thật vui và đầm ấm tình làng nghĩa xóm.