Gần 80 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học thảo luận tại 2 tiểu ban với các vấn đề: Những thành tựu, kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Những vấn đề mới (về phương pháp tiếp cận, về việc đánh giá những hiện tượng văn học mới, về các di sản văn học...) trong nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường đại học. Vấn đề đổi mới giảng dạy và đào tạo văn học trong nhà trường trong bối cảnh mới.
Phát biểu đề dẫn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, TS. Trần Thiện Khanh cho biết, vấn đề tầm nhìn hiện đại được đặt ra trong hội thảo trước hết được hiểu là khung tri thức mới, hệ hình tri thức hiện đại. “Đó là thành quả của khoa học xã hội, nhân văn hiện đại và là kết quả của quá trình đổi mới ở Việt Nam. Đổi mới văn học trước hết là đổi mới cái nhìn, quan điểm, cách tiếp cận, đổi mới cách chúng ta nghĩ và thực hành các hoạt động văn học. Đổi mới vừa là nhu cầu nội tại vừa là đòi hỏi của đời sống văn học, là yêu cầu của thời đại, của bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế”.
Từ năm 1986 đến nay, nhiều lý thuyết văn học được giới thiệu, du nhập vào Việt Nam, gần như không thiếu lý thuyết hiện đại nào. Theo TS. Trần Thiện Khanh, đây vừa là kết quả của sự đổi mới cơ chế tiếp nhận, đổi mới tư duy, vừa là tiền đề góp phần hình thành bộ khung tri thức mới, tầm nhìn mới về văn học, thúc đẩy việc tư duy lại nhiều vấn đề văn học, đánh giá, lý giải lại nhiều hiện tượng mà vì lý do nào đó của lịch sử chưa được nhìn nhận thỏa đáng, hợp lý; định hình cách chúng ta hình dung về văn học, kiến tạo các giá trị văn học trước những cơ hội, thách thức của hiện tại và tương lai.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, có hàng loạt vấn đề đặt ra, gồm: sự chuyển động của hoạt động sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, tiếp nhận văn học từ tầm nhìn hiện đại; vị trí, giá trị của văn học trong đời sống; định hướng phát triển văn học từ tầm nhìn của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sư phạm...
Làm rõ những vấn đề trên, các tham luận tại hội thảo đã phân tích thực tế quá trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân (Hội Nhà văn Việt Nam) có những đánh giá mới từ trường hợp Văn Cao, nghĩ về hướng nghiên cứu chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. PGS.TS. Lê Tú Anh (Trường Đại học Hồng Đức) nhận xét "Từ Dụ thái hậu” của Trần Thùy Mai từ góc nhìn thể loại. PG.TS. Nguyễn Đình Chú (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tản mạn xung quanh cuộc giao lưu văn hóa Đông Á với văn học Việt Nam trung đại. Đáng chú ý có nghiên cứu về định vị truyện truyền kỳ và quá trình dân tộc hóa thể loại trong lịch sử văn học Việt Nam của nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, PGS.TS. Vũ Thanh...
Các ý kiến đã phân tích, đánh giá, lý giải mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường đại học, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; chỉ ra tính tích cực và sự tương thích của các lý thuyết, phương pháp tiếp cận đối với thực tiễn văn học dân tộc và ảnh hưởng của các thành tựu nghiên cứu lý luận, phê bình, văn học sử hiện đại đối với việc hình thành các tri thức văn học mới, việc xây dựng các chương trình ngữ văn, đào tạo văn học trong nhà trường.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng thảo luận xoay quanh việc đổi mới giảng dạy và đào tạo văn học trong nhà trường trong bối cảnh mới và từ các hệ hình tri thức mới, cơ hội và thách thức đối với việc giảng dạy văn học; kinh nghiệm đọc, dạy văn học của các quốc gia và việc vận dụng nó vào thực tiễn Việt Nam…