2 bộ sách giáo khoa mới “biến mất” sau một năm phát hành
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo; Nghị quyết 88/2014/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình mới ở lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai chương trình mới ở lớp 3, lớp 6. Trong đó, năm học 2020-2021, ngành giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa. Trong đó, có 4 bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều (của 3 nhà xuất bản khác).
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉphát hành 2 bộ sách giáo khoa (Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống); còn 2 bộ sách giáo khoa (Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) “biến mất” sau một năm phát hành,gây bất ngờ cho giáo viên, học sinh nói riêng và xã hội nói chung. Nêu rõ vấn đề này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, việc 2 bộ sách giáo khoa bỗng dưng “biến mất” được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải thích là đểhợp nhất 4 bộ sách thành hai bộ sách tốt hơn; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa, phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc 2 bộ sách bỗng dưng “biến mất” là do thị phần thấp, do quy luật kinh tế thị trường.
Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, việc 2 bộ sách giáo khoa biến mất đặt ra những vấn đề sau: các địa phương đã chọn 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” để đưa vào chương trình giảng dạy có tiếp tục sử dụng hai bộ sách này trong năm học tiếp theo không? Khối 1 cả nước có khoảng hơn 2 triệu học sinh, như vậy sẽ lãng phí khoảng 440.000 bộ sách lớp 1,tương đương 88 tỷ đồng trở thành phế liệu, không tái sử dụng được.Bên cạnh đó, mỗi bộ sách có triết lý khác nhau, như vậy năm học sau sẽ có 440.000 học sinh phải “nhập môn" triết lý mới? - đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đặt câu hỏi.
Cần giám sát để có giải pháp điều chỉnh phù hợp
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới, nhiều hình thức giảng dạy khác nhau như dạy tổ hợp môn. Các giáo viên phải vật lộn để đáp ứng yêu cầu này, phần lớn giáo viên các môn học này chưa được bồi dưỡng. Từ đó, dẫn đến tình trạng một môn học có đến 2-3 giáo viên cùng giảng dạy nhưng kiểm tra định kỳ, điểm số, nhận xét cho học sinh thì các giáo viên lại thực hiện chung.
Phản ánh thực trạng trên, đại biểu đồng tình với việc Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong năm 2023 và nhấn mạnh, đây là "việc cần làm sớm để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp, hạn chế tình trạng lãng phí thời gian, nguồn lực của nhà nước, tiền của, thời gian của Nhân dân và giáo viên".
Đại biểu cũng nhấn mạnh, mục tiêu, bản chất của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là rất tốt, phù hợp; nếu thực hiện tốt việc đổi mới chương trình này giúp xây dựng một thế hệ người Việt Nam là những công dân toàn cầu... tuy nhiên cách làm, phương pháp làm và con người chưa mới... Đại biểu cũng đề nghị,cầngiám sát chặt chẽ việc ban hành và trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa, giám sát công tác tiếp cận của các nhà xuất bản đối với các địa phương.