Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh cho biết: "Danh hiệu Danh lục xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu nhằm ghi nhận các khu bảo tồn đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công. Đây là kết quả của nỗ lực bảo tồn đúng hướng, kiên trì của cả tổ chức trong nước và sự hỗ trợ từ quốc tế. Danh lục xanh sẽ là bộ tiêu chuẩn, thước đo, giúp VQG Cát Tiên tăng cường quản trị nội bộ và năng lực giám sát".
Theo Giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh, tham gia Danh lục xanh từ năm 2016, hành trình của VQG Cát Tiên bắt đầu với việc đánh giá các biện pháp bảo tồn, bao gồm bảo vệ các loài đang nguy cấp, gìn giữ sự đa dạng của hệ sinh thái thông qua các dự án phục hồi giám sát đa dạng sinh học, phục hồi sinh cảnh và bảo tồn loài. Các chương trình, sáng kiến giáo dục môi trường cũng được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Cộng đồng địa phương cũng tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn, mang lại cho họ cơ hội phát triển sinh kế bền vững.
Bên cạnh đó, VQG Cát Tiên còn ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra bảo vệ và giám sát động vật hoang dã. Đội ngũ nhân viên của VQG Cát Tiên thường xuyên được tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn để quản lý và bảo vệ hiệu quả.
Trước đó, từ tháng 9.2018, VQG Cát Tiên bắt đầu nộp đơn xin xét duyệt danh hiệu Danh lục xanh. Theo quy định của IUCN, để đạt được danh hiệu này khu bảo tồn phải cung cấp quy trình xác minh bảo đảm, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng và duy trì được 17 tiêu chí và 50 chỉ số được chia thành 4 lĩnh vực gồm: quản trị tốt; thiết kế và lập kế hoạch tốt; quản lý hiệu quả; kết quả bảo tồn thành công. Các tiêu chí, chỉ số này được đánh giá bằng một quy trình được bảo đảm độc lập, có độ tin cậy cao.
Theo đó, các khu bảo tồn phải chứng minh được hiệu quả trong công tác quản lý bảo tồn, các khu đạt danh hiệu buộc phải đạt toàn bộ đủ các tiêu chí chỉ số trên để được công nhận danh hiệu. Trong đó có các tiêu chí rất khó để cải thiện như đánh giá hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng của khu bảo tồn.
Để đạt được các tiêu chuẩn quản lý toàn cầu, VQG Cát Tiên đang từng bước xây dựng kế hoạch quản lý hiệu quả, cơ chế tài chính bền vững trong đó gắn quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn phục hồi sinh thái và đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, cùng với các địa phương vùng đệm để từng bước nâng cao sinh kế của các cộng đồng vùng đệm.
Trong những năm qua, VQG Cát Tiên đạt được nhiều thành tựu trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.
Điển hình là việc xây dựng cộng đồng dân cư sống xung quanh VQG Cát Tiên gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn rừng. Người dân tại đây sẽ được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ sinh kế và cơ sở hạ tầng vùng đệm của Nhà nước và các dự án quốc tế. Người dân tham gia vào việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, có nguồn thu thường xuyên từ các hoạt động này.
Kể từ khi thành lập, VQG Cát Tiên đã duy trì được vốn rừng và đất ngập nước trong diện tích quản lý. Quần thể các loài quan trọng đều được duy trì và gia tăng. Quần thể các loài chủ chốt luôn được quan tâm điều tra giám sát, số lượng quần thể các loài chủ chốt không ngừng tăng trong những năm qua.
Trải qua 46 năm hình thành và phát triển, VQG Cát Tiên đang quản lý hơn 71.000 ha rừng đặc dụng, là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao được thể hiện qua sự phong phú và đa dạng về hệ sinh thái, đa dạng về loài.
VQG Cát Tiên có thành phần loài thực vật phong phú và đa dạng nhất trong các rừng đặc dụng ở khu vực Nam Bộ, với cả thực vật sống trên cạn, vùng bán ngập và vùng đất ngập nước. Đây cũng là nơi cư trú của 1.655 loài thực vật và 1.720 loài động vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam.
Có thể kể đến như voi châu Á tăng từ 15 cá thể năm 2015 lên 27 cá thể năm 2023, là quần thể ngoài tự nhiên lớn thứ 2 Việt Nam. VQG Cát Tiên cũng là nơi có quần thể bò tót lớn nhất Việt Nam ước tính trên 120 cá thể.
VQG Cát Tiên cũng đã thực hiện thành công chương trình tái thiết lập quần thể cá sấu nước ngọt tại khu vực Ramsar Bàu Sấu. Đây là một thành công trong việc phục hồi loài nguy cấp ở Việt Nam số lượng quần thể từ vài chục cá thể năm 2000 đến nay đã thành quần thể lớn với số lượng trên 500 cá thể và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Đáng chú ý, VQG Cát Tiên là nơi duy nhất tại Việt Nam có thể dễ dàng quan sát được các loài móng guốc, linh trưởng và các loài chim lớn trong tự nhiên.
Giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh chia sẻ, để tiếp tục duy trì danh hiệu Danh lục xanh, VQG Cát Tiên cần duy trì hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phục hồi đa dạng sinh học. Cụ thể, cần xây dựng kế hoạch tiếp tục cập nhật và bổ sung tài liệu, tuân thủ thực hiện các điều kiện và khuyến nghị của IUCN; duy trì các giá trị (tự nhiên, văn hóa và dịch vụ hệ sinh thái); duy trì các thành tựu (quản trị, bảo tồn và lợi ích cho cộng đồng); duy trì và tăng độ che phủ rừng; duy trì diện tích và chất lượng hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước, trảng cỏ, ngăn chặn được sự lây lan của các loài ngoại lai xâm hại; tăng số đàn và cá thể các loài quan trọng.
Đồng thời quảng bá hình ảnh VQG Cát Tiên là địa điểm Danh lục xanh, cung cấp thành quả và kinh nghiệm của VQG Cát Tiên cho các khu bảo vệ khác ở Việt Nam và trên toàn thế giới để hỗ trợ chia sẻ về quản trị, quản lý và phát triển năng lực cần thiết.
Hiện, cả nước có 2 đơn vị đạt được danh hiệu Danh lục xanh là: Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) và VQG Cát Tiên.
VQG Cát Tiên đạt được danh hiệu Danh lục xanh của IUCN là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với các VQG và các khu bảo tồn thiên nhiên mà còn đối với cộng đồng bảo tồn ở Việt Nam. Thể hiện các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc bảo tồn phát triển các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học ở Việt Nam.