Giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản những vấn đề về dân số

Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh; đồng thời hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện Luật Dân số. Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức sáng 11.7. 

Tỷ lệ tử vong mẹ là thách thức mang tính toàn cầu

Theo thông tin tại Lễ mít tinh, trong 3 thập kỷ qua, thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ năm 2000 đến năm 2020, tỷ số tử vong mẹ trên toàn cầu đã giảm 34%. Số lượng phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2021. Tỷ lệ sinh con ở nhóm vị thành niên trong độ tuổi 15 - 19 tuổi đã giảm khoảng 1/3 kể từ năm 2000; đã có 162 quốc gia thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình - một con số đáng khích lệ trên phạm vi toàn cầu.

Giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản những vấn đề về dân số -0
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ mít tinh Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11.7. Ảnh: Bộ Y tế

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa được hưởng lợi từ các thành quả phát triển. Tỷ lệ tử vong mẹ đang là một thách thức mang tính toàn cầu. Từ năm 2016 đến năm 2023, mức giảm tỷ lệ tử vong mẹ chững lại và thậm chí còn tăng ở một số nơi. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh trong khi mang thai và sinh con, tương đương với khoảng hơn 290 ngàn phụ nữ tử vong mỗi năm.

Tại các nước đang phát triển, bình quân có khoảng gần 1/3 số phụ nữ sinh con ở tuổi vị thành niên. Ước tính mỗi năm có khoảng 21 triệu ca mang thai ở tuổi vị thành niên và một nửa số đó là có thai ngoài ý muốn. Khoảng 5,7 triệu ca mang thai ở tuổi vị thành niên đã phá thai, hầu hết là phá thai không an toàn.

Tại Khu vực châu Á và Thái Bình Dương, tỷ số tử vong mẹ đã giảm 61% kể từ năm 2000, đây là mức giảm đáng kể nhất trên thế giới; ngày càng có nhiều trẻ em sinh ra có sự trợ giúp của cán bộ y tế có kỹ năng. Số lượng thanh thiếu niên sinh con đã giảm gần một nửa kể từ năm 2000. Đã có 32/36 quốc gia trong khu vực thực hiện ít nhất một lần điều tra về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Tỷ lệ người dân chưa được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình đã giảm từ 24% xuống còn 19%.

Tuy nhiên, hàng triệu người trong khu vực này vẫn còn bị bỏ lại phía sau. Mức giảm tử vong mẹ đã chững lại kể từ năm 2015. Khắp châu Á và Thái Bình Dương, ước tính mỗi giờ vẫn có hơn 6 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được liên quan đến mang thai và sinh con... 

Giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản những vấn đề về dân số -0
Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ Mít tinh. Ảnh: Bộ Y tế

Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, cần hành động quyết liệt và ngay lập tức để bảo đảm rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai và sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và chấm dứt bất bình đẳng. 

Cải thiện chỉ số phát triển con người

Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về thực trạng kinh tế - xã hội giữa các vùng cũng như các nhóm dân cư. Chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới.

Đặc biệt, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh. Tỷ suất tử vong mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây. Từ năm 1993, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc bảo đảm tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Từ năm 1993, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 41,3% lên 70,1% năm 2022.

Bên cạnh đó, các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai và từng bước mở rộng; dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từng bước được củng cố và phát triển.

Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được Việt Nam khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989 - 1999 xuống 1,14% giai đoạn 2009 - 2019. Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2,0 - 2,1 con/phụ nữ trong suốt thời gian qua.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực theo hướng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023. Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ 2007 với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và cần được tiếp tục đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, nâng cao năng suất lao động, hướng tới phát triển bền vững.

Mặt khác, phân bố dân số đã có hợp lý hơn, gắn với đô thị hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 38,1% năm 2023.

Những thành tựu mà công tác dân số đạt được tác động to lớn và tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao bình đẳng giới, tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; cải thiện chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của từng người dân, từng gia đình, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước đây và tiến tới thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs).

Tập trung xây dựng và hoàn thiện Luật Dân số

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác dân số Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp; gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh; già hóa dân số nhanh, phân bố dân số, quản lý di dân chưa được chú trọng đúng mức.

Giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản những vấn đề về dân số -0
Toàn cảnh Lễ Mít tinh Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11.7. Ảnh: Bộ Y tế

Các yếu tố dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... đòi hỏi phải có những đổi mới để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số. Đồng thời, cần hành động quyết liệt và ngay lập tức để bảo đảm mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai và sinh con; đầu tư vào sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và chấm dứt bất bình đẳng.

Với nguyên tắc lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới; Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW là: "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững".

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng như Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11.7 năm 2024, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững" nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác dân số và các yếu tố tác động của dân số đến phát triển bền vững của đất nước, để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đặc biệt là các chính sách liên quan đến già hóa dân số, giảm tỷ suất sinh... Đồng thời, tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12.2024 và trình Quốc hội vào tháng 10.2025.

Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và Phát triển, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số; chỉ đạo lồng ghép các yếu tố dân số trong các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các ngành... 

Sở Y tế, Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển, nhất là các nội dung tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Việt Nam và của mỗi địa phương trong hiện tại và tương lai.

Xã hội

Kon Tum: Chủ dự án thủy điện cam kết tài trợ làm cầu treo cho dân rồi "chây ì" thanh toán
Xã hội

Kon Tum: Chủ dự án thủy điện cam kết tài trợ làm cầu treo cho dân rồi "chây ì" thanh toán

Đầu tư xây dựng thủy điện gây hư hỏng đường, làm ngập cầu treo dân sinh, bị người dân phản đối, doanh nghiệp đã ký hợp đồng tài trợ kinh phí 3 tỷ đồng cho huyện để xây cầu mới. Tuy nhiên doanh nghiệp này sau đó chỉ chuyển 1 tỷ đồng rồi dừng lại, sự việc khiến chủ đầu tư là Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện liên tục bị nhà thầu “đòi nợ”. Sự việc “tréo ngoe” xảy ra ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ba doanh nghiệp tồn trữ hóa chất nguy hiểm với khối lượng lớn chưa đúng quy định
Xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ba doanh nghiệp tồn trữ hóa chất nguy hiểm với khối lượng lớn chưa đúng quy định

Thanh tra Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định Công ty Cổ phần SOP Phú Mỹ, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam – Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu có tồn trữ hóa chất nguy hiểm với khối lượng lớn chưa đúng quy định pháp luật.

Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Thế Mạnh thăm và tặng quà bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. (Ảnh BHXHVN)
Đời sống

BHXH Việt Nam nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người dân sau thiên tai

Ngay sau khi nhận được thông báo kết luận của Bộ Chính trị về giải quyết hậu quả bão số 3 (Yagi), Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu cấp uỷ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện.

Triển khai đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế
Xã hội

Triển khai đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế

Triển khai Đề án đổi mới và tăng cường năng lực công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thuộc Chiến lược Cải cách Hệ thông thuế đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó ngành Thuế phải đạt được mục tiêu mức độ hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế đến năm 2025 tối thiểu 90%, đến năm 2030 tối thiểu 95%.

Nâng cao năng lực cho cô đỡ thôn bản tại Yên Bái
Xã hội

Nâng cao năng lực cho cô đỡ thôn bản tại Yên Bái

Từ ngày 23 - 27.9, tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái (CDC Yên Bái) tổ chức khóa tập huấn cập nhật kiến thức cho 30 cô đỡ thôn bản ở huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải; trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ ngành y tế duy trì, củng cố và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản, người dân tộc thiểu số tại các vùng đặc biệt khó khăn do Quỹ Thiện Tâm tài trợ".