Tác động tích cực ngay từ khâu chuẩn tổ chức phiên giải trình
Tại Phiên giải trình, các đại biểu ghi nhận, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Các kiến nghị về xử lý tài chính và các xử lý khác đã được thực hiện bình quân từ 75 - 80% cho năm liền kề của năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỉ lệ từ 15 - 20% số kiến nghị còn lại của mỗi năm. Tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, sau khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách công bố kế hoạch tổ chức Phiên giải trình, trong 4 tháng vừa qua, UBND thành phố đã đẩy mạnh kiểm tra, từ đó đốc thúc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị của KTNN và đã mang lại một số kết quả bước đầu.
Đại diện lãnh đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đều khẳng định, các Bộ trưởng, trưởng ngành, cấp ủy địa phương đều rất quan tâm chỉ đạo, đôn đốc triển khai các kết luận, kiến nghị của KTNN, giải quyết các vấn đề vướng mắc, từ đó mang lại những kết quả hết sức tích cực trong thời gian gần đây.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh băn khoăn, nếu không có phiên giải trình của Ủy ban Tài chính – Ngân sách thì tiến độ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN có thay đổi không? Không chỉ với thời gian trước niên độ ngân sách Nhà nước năm 2021, mà nhìn chung trong các năm vừa qua, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN được các bộ, ngành địa phương tiến hành như thế nào, mức độ quan tâm ra sao?
Giải trình vấn đề này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, những năm vừa qua, tỉ lệ các kiến nghị, kết luận của KTNN được thực hiện tăng lên hàng năm. Đặc biệt, năm 2022, số lượng kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện có mức tăng cao, tăng 13% so với năm trước; trong 6 tháng đầu năm 2023, các kết luận, kiến nghị của KTNN được triển khai tới hơn 60%, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Tổng KTNN nhấn mạnh, quá trình Ủy ban Tài chính - Ngân sách chuẩn bị tổ chức Phiên giải trình này đã tạo ra sự đốc thúc lớn với các bộ, ngành, địa phương, nhìn chung các cơ quan, đơn vị chấp hành tốt hơn.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng lưu ý, số kết luận, kiến nghị của KTNN còn tồn đọng, tích lũy nhiều năm chưa thực hiện đến ngày 31.3.2023 còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương. Điều này đòi hỏi phải tăng cường triển khai, đôn đốc để thực hiện tốt hơn, nhanh hơn; phân loại và có lộ trình cụ thể, có các giải pháp tổ chức quyết liệt để giải quyết dứt điểm các kết luận, kiến nghị của KTNN đã tồn đọng nhiều năm.
Phân loại kiến nghị về cơ chế, chính sách để có phương án phù hợp
Chỉ ra nguyên nhân khiến kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu rõ, qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến ngày 31.3.2023 là 108.180,2 tỷ đồng. KTNN đã phân loại 4 nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị, với 15 nguyên nhân cụ thể. Trong đó, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291,2 tỷ đồng, chiếm 58,5%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN chiếm 2,28%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 14,3 %; nhóm nguyên nhân khác chiếm 24,9%.
Làm rõ hơn vấn đề này từ thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, qua tổng hợp, rà soát, Thành phố nhận diện 14 nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó có một số nguyên nhân lớn như: nhà thầu chưa thống nhất được với chủ đầu tư về thực hiện kiến nghị kiểm toán; dự án đang trong giai đoạn triển khai chưa quyết toán hoàn thành nên chưa thực hiện được; doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, “nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt của đơn vị được kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức” - ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Từ Báo cáo của KTNN và ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh lưu ý, hiện có tình trạng nhiều kết luận, kiến nghị kiểm toán thiếu tính khả thi, khó thực hiện. Đây là bài toán cần được giải quyết nhằm xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng nhiều năm. "Không thể để tồn đọng kéo dài, kết luận chồng kết luận trong nhiều năm. Những vấn đề cần xem xét, xử lý trong từng trường hợp cụ thể cần có sự phối hợp và giải pháp tổng thể từ KTNN và các bộ ngành, địa phương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh.
Giải trình về vấn đề này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định, trong hoạt động kiểm toán có rủi ro, có sai sót, nhưng KTNN đã đưa ra quy định sai sót ở mức nào thì được chấp nhận. Việc kết luận, kiến nghị của KTNN thiếu tính khả thi cũng có nguyên nhân do khi triển khai thực hiện kiến nghị thì chính sách, pháp luật thay đổi và điều này cũng được phản ánh trong báo cáo của UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. “Kiến nghị kiểm toán không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Trong quá trình này, nếu chính sách, pháp luật thay đổi thì có thể khiến kết luận, kiến nghị của KTNN chưa khả thi”, Tổng KTNN cho biết.
Để nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị của KTNN, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định, đã chỉ đạo các đơn vị kiểm toán nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán, trong đó chú trọng việc đảm bảo bằng chứng kiểm toán. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên với đơn vị được kiểm toán, bảo đảm chất lượng của từng cuộc kiểm toán, từng kiến nghị kiểm toán. Trong đó, các kết luận, kiến nghị kiểm toán đưa ra phải đúng pháp luật, đầy đủ bằng chứng, phù hợp với thực tiễn, có sự lắng nghe, trao đổi với địa phương, đơn vị.
Nhìn ở khía cạnh khác, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, 311 kiến nghị của KTNN về cơ chế, chính sách từ năm 2019 trở về trước đến nay vẫn chưa được thực hiện là một trong những điểm nghẽn, đòi hỏi phải được tập trung tháo gỡ. Bà đề nghị phải tách bạch hai loại kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa thực hiện được để có phương án xử lý phù hợp. Khẳng định đây là đề xuất rất xác đáng, Tổng KTNN cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phân loại kiến nghị của KTNN về cơ chế, chính sách thành hai loại, trong đó sẽ xác định cơ chế, chính sách sai quy định pháp luật phải sửa ngay và đưa ra thời hạn sửa cụ thể. Tổng KTNN cũng cam kết, khi sửa đổi Luật KTNN hay các văn bản liên quan sẽ tham mưu đưa ra quy định cụ thể về việc khi nào đơn vị được kiểm toán sẽ được công nhận đã hoàn thành sửa đổi cơ chế, chính sách theo kiến nghị của KTNN.