Quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, việc hình thành tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm mà sẽ tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đại biểu cho rằng, khi chưa triển khai được tuyến đường Vành đai 4 thì áp lực giao thông, tình trạng tắc đường tại tuyến đường Vành đai 3 diễn ra thường xuyên.
"Việc này không chỉ ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội mà còn ảnh hưởng cả đến việc lưu chuyển hàng hóa từ khu vực phía Nam lên phía Bắc cũng đang bị ách tắc. Như vậy, các tuyến đường này mà được xây dựng thì không chỉ phát triển cho vùng Thủ đô mà còn phát triển cho lưu thông kinh tế hàng hóa trong cả nước", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Để việc đầu tư phát triển thuận lợi, đại biểu cho rằng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc, nhưng khác hoàn toàn so với các tuyến đường cao tốc khác bởi đây là cao tốc của vành đai cho nên khi tuyến đường này hình thành nên thì chắc chắn khu vực lân cận quanh tuyến đường này sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối và đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng này.
"Mặc dù, mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì trong vòng vài tháng qua, đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đây là một nguồn lực rất lớn nếu chúng ta không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí", ĐBQH Hoàng Văn Cường lưu ý.
Đại biểu cho rằng cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai thì nên quy hoạch đồng thời khu vực 2 bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Chỉ giải phóng mặt bằng một lần duy nhất
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, ĐBQH Hoàng Văn Cường chỉ rõ, đất xung quanh các tuyến đường này sẽ tạo nên một nguồn lực và giá sẽ tăng lên rất nhanh. Nếu chúng ta không giải phóng mặt bằng một lần mà chúng ta lại để lại một phần, sau này làm đến đâu giải phóng đến đấy thì trong tương lai chúng ta sẽ phải chi phí rất lớn và rất khó khăn cho giải phóng mặt bằng. "Chính vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm phải giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai, việc đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nguồn thu Nhà nước cũng như đảm bảo ổn định xã hội tốt hơn.", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Về phương thức đầu tư, ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá rất cao TP. Hà Nội đã mời gọi được các nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng là tham gia vào đầu tư dự án thành phần xây dựng toàn bộ hệ thống đường cao tốc của đường Vành đai 4 vùng Thủ đô theo phương thức BOT. Theo đó, không những sẽ huy động được nguồn vốn của các nhà đầu tư để giảm đi nguồn vốn của ngân sách, mà quan trọng hơn, khi các nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự khai thác thì chắc chắn tính đồng bộ, tính hiệu quả, tính chất lượng sẽ xuyên suốt và đảm bảo tốt hơn so với việc Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư rồi cho đơn vị khác đấu thầu thu lại vốn.
Để thuận tiện cho việc này, ĐBQG Hoàng Văn Cường thể hiện sự đồng tình phải tách riêng các khoản chi phí như: chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng các đường gom, chi phí xây dựng đường cao tốc, tách riêng thành 3 cấu phần riêng. "Khi tách ra như thế sẽ giúp biết rất rõ mỗi một đoạn đường, mỗi công trình chi phí giá thành xây dựng là bao nhiêu, từ đó làm cơ sở để so sánh, đánh giá với các công trình khác", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.