Cách đây 50 năm, ngày 27.1.1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Trong thời gian khoảng 5 năm (từ 1968-1973), Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22.1.1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger (Kít-xinh-giơ) ký tắt.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Phan Anh Sơn cho biết: Buổi gặp gỡ là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris. Theo ông Sơn, thắng lợi lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris cách đây vừa tròn 50 năm đã để lại nhiều bài học sâu sắc, những bài học đó đã tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay thêm vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình, công lý.
Tại buổi buổi gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 – ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai, các đại biểu đã cùng nhau xem thước phim quan trọng đáng nhớ tóm tắt sự kiện và video kể lại của nhân vật trực tiếp tham gia đàm phán của “nữ chính trị gia – nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình”. Đồng thời, lắng nghe những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự kiện. Trước đó, đoàn đại biểu đã tới thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch, ngày mai, 14.1, đoàn sẽ tiến hành trồng cây xanh tại công viên Hòa Bình.