Âm vang đại ngàn
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên từ bao đời nay. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc cư trú lâu đời ở đây. Sau một thời gian có nguy cơ mai một, với các chủ trương bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, công tác bảo tồn, lưu giữ di sản này đã được các cấp, các ngành quan tâm.

Cũng từ đó, các tỉnh vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên đều xây dựng chiến lược bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng. Ngoài những liên hoan cấp khu vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, các tỉnh cũng phối hợp thực hiện các liên hoan, xây dựng hoạt động thường niên về công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam, vài năm gần đây, văn hóa truyền thống Tây Nguyên đã có những kết quả phục hồi ngoạn mục. Điều đó không chỉ nhờ vào các quyết sách của Đảng, Nhà nước; đời sống kinh tế có phần khởi sắc, từ trách nhiệm của các đoàn thể, các tôn giáo tác động, mà ý thức của chính cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng đã được nâng lên. Đại bộ phận người dân đều hiểu và tham gia vào tiến trình bảo tồn, phát huy di sản của chính tộc người mình.
Ở cả 5 tỉnh, các dàn ching chêng thiếu nhi được hình thành đến tận buôn, bon, kon, plei từ hoạt động truyền dạy. Nhiều lễ hội truyền thống như cúng bến nước, ăn cơm mới, cúng lúa trổ đòng, cầu mưa… được người dân tự phục dựng. Nhà rông được bà con các vùng tự nguyện đóng góp công của, nhà sàn cũng được dựng lại, tổ chức khánh thành theo phong tục truyền thống.
Một số hoạt động đặc biệt như: Chủ nhật hàng tuần, các plei xung quanh thành phố Kon Tum lần lượt thay nhau trình tấu ching gong ở nhà thờ gỗ trung tâm. Gia Lai có cồng chiêng cuối tuần tại thành phố Pleiku. Đắk Lắk có đêm diễn Âm vang đại ngàn hàng tháng ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột…
Hoạt động du lịch cộng đồng góp phần không nhỏ trong việc phát huy tài nguyên văn hóa truyền thống ở khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tăng nguồn thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Các làng du lịch cộng đồng dần trở nên nổi tiếng như Kon Ktu, Kon Pring (Kon Tum), Kbang (Gia Lai), Akǒ Dhông, Tơng Jú (Buôn Ma Thuột)… Đây là những tín hiệu đáng mừng từ tác động của các chính sách bảo vệ và phát huy di sản của văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, ngành công nghiệp văn hóa.
Du lịch gắn với buôn làng, có sự tham gia của cộng đồng
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, rất cần bổ sung tiêu chí bảo tồn văn hóa truyền thống. Nếu không, tình trạng nhà văn hóa “đạt chuẩn” chiếm không gian, đẩy lùi hoặc bỏ hoang nhà rông truyền thống, như một số vùng ở Gia Lai, không chỉ làm hỏng không gian cảnh quan kon, plei, mà còn phá hủy môi trường diễn xướng các lễ hội của làng.

UNESCO ghi danh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có nghĩa là không chỉ gong ching mới có giá trị, mà cả nghệ thuật diễn xướng dân ca, dân vũ; văn học truyền miệng (sử thi, lời nói vần, cổ tích)... Thậm chí cả môi trường, không gian trình tấu của gong ching là nhà dài, rông, gươl, nghề thủ công, rừng, suối, rẫy lúa... đều cần được quan tâm bảo tồn và phát huy có trọng tâm.
Du lịch cộng đồng tại các tỉnh Tây Nguyên đang được quan tâm đẩy mạnh. Theo bà Linh Nga Niê Kdam, du lịch cộng đồng phải phát huy được di sản và gắn với xóa đói giảm nghèo thì mới thành công. Bởi vậy, du lịch cộng đồng phải thực sự gắn được với không gian văn hóa đích thực của các buôn, bon, kon, plei, tạo nên những sản phẩm du lịch riêng biệt của mỗi địa phương. Từ nhà sàn, nhà rông, bến nước, các nghề thủ công lẫn nghệ thuật diễn xướng… đều có nét đặc trưng, có thể đưa vào phục vụ du lịch, nhưng phải có sự hướng dẫn của các chuyên gia có kinh nghiệm về du lịch, có sự tham gia thật sự của cộng đồng.
Thời gian tới, các địa phương cần có nhiều chính sách, giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng, trong đó huy động sự tham gia của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đồng thời, cần có phương hướng, cách thức phục hồi, gìn giữ, khai thác và phát huy hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, từng bước khôi phục không gian truyền thống của văn hóa cồng chiêng, phục dựng một số lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng, tạo điều kiện để việc thực hành trình diễn cồng chiêng được duy trì thường xuyên ở các làng... Từ đó, đẩy mạnh quảng bá đến du khách, đa dạng hóa các chương trình du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa địa phương bao gồm cả cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng.