Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến hết tháng 3.2023, trên địa bàn Thành phố có gần 8.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH thuộc diện "nợ khó đòi” với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc này là do nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng dẫn tới chậm đóng kéo dài. Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa điểm sản xuất kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan BHXH; phá sản, giải thể, bỏ trốn không có khả năng tài chính.
Một phần khác là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; người lao động tạm thời ngừng việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Trước tình hình này, BHXH Thành phố đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với từng nhóm dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet, bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)
Xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên về BHXH, BHYT tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, BHXH Thành phố đảm bảo thực hiện tốt công tác đốc thu, giảm nợ, tăng cường đối chiếu thu tại cơ sở, công tác quản lý thu đúng quy định, quản lý đơn vị chặt chẽ về người tham gia, mức đóng và phương thức đóng, qua đó nắm bắt được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để thu đúng, thu đủ.
Ngoài ra, BHXH Thành phố cũng tổ chức thanh, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn các đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố; thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt theo quy định, xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp với Cơ quan Công an, Viện kiểm sát về việc thu thập hồ sơ chuyển điều tra, xử lý hình sự; chuyển hồ sơ đề nghị xử lý hình sự.
Mặt khác, BHXH Thành phố cũng sẽ tiếp tục Công tác phối hợp với các Sở, ngành trong công tác thu hồi nợ, ngăn ngừa những trường hợp lạm dụng để trốn đóng, chậm đóng hoặc trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, BHXH Thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt cũng như tạo thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Trong năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc tại TP. Hồ Chí Minh là gần 2,6 triệu người, đạt 100,03% kế hoạch; BHXH tự nguyện hơn 61.000 người, đạt 100,02% Kế hoạch; BHTN hơn 2,5 triệu người, đạt 100,01% Kế hoạch; BHYT hơn 8,5 triệu người, đạt 100,01% Kế hoạch; độ bao phủ BHYT đạt 91,18% dân số.Tổng số thu BHXH, BHTN và BHYT là 77.604 tỷ đồng, đạt 103,03% Kế hoạch.
Việc Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần ổn định cuộc sống nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người dân.
Cũng trong năm 2022, BHXH Thành phố giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho gần 1,6 triệu lượt người, trong đó: Chế độ BHXH hàng tháng 9.618 người; Trợ cấp một lần 128.226 lượt người (BHXH một lần 108.503 người); Trợ cấp ngắn hạn hơn 1,3 triệu lượt người, phối hợp với ngành Lao động TBXH giải quyết trợ cấp thất nghiệp 145.407 người.
Hiện, đang quản lý 247.605 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trong đó 170.669 người hưởng nhận qua thẻ ATM (chiếm 68,9%) và 76.936 người hưởng nhận bằng tiền mặt (chiếm 31,1%).