Không chỉ Đà Nẵng, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã trở thành vấn đề tồn tại kéo dài từ nhiều năm nay, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Mới đây, BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có gần 7.500 doanh nghiệp nợ BHXH 396 tỷ đồng nhưng đã giải thể, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi, ảnh hưởng 34.000 lao động. Còn theo số liệu của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30.6.2022, tổng số đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH từ 1 tháng trở lên là 47.633; trong đó, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT là 4.904,4 tỉ đồng; số tiền nợ phải tính lãi là 1.822,6 tỉ đồng. Nhiều tỉnh, thành khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Tình trạng nợ BHXH kéo dài của các doanh nghiệp không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Điều đáng nói là, tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên việc trích nộp BHXH cho người lao động chậm, để nợ đọng kéo dài. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có nguyên nhân từ sự cố tình, chây ỳ không tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (Quảng Nam), cho rằng, hiện nay các quy định của pháp luật chưa phân biệt rõ giữa "trốn đóng" và "chậm nộp" bảo hiểm xã hội nên các doanh nghiệp lợi dụng chây ỳ, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, làm gia tăng nợ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nhưng chưa được xử lý. Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Quốc hội, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt những trường hợp nào là trốn đóng, trường hợp nào là chậm nộp, đồng thời có chế tài mạnh để xử lý nghiêm đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt đối với đơn vị trốn BHXH chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng nợ đọng, trốn BHXH kéo dài và chưa có giải pháp triệt để.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, để sớm ngăn chặn, xử lý các trường hợp nợ đọng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm cần cử cán bộ nắm bắt thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp, giải pháp kịp thời không để xảy ra tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn. Tiến hành thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng. Công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị chậm đóng BHXH để sớm có biện pháp xử lý. Đặc biệt, phải xử lý thật nghiêm minh các đơn vị có hành vi vi phạm. Phải xử lý hình sự các đơn vị cố tình trốn đóng BHXH.
Theo điều 216, Bộ luật Hình sự về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên nếu trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Người có một trong các hành vi, trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm...
Chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH đã có. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc ngay từ đầu để xử lý khi phát hiện các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Cùng với đó xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định pháp luật. Đừng để người lao động thiệt thòi chỉ vì xử lý vi phạm về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH có sự “nương tay”.