Đón “sóng đầu tư” bằng lãi suất
Đến hết tháng 5.2015, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 800.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng. Những con số này đã minh chứng cho vai trò chủ lực của Agribank trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài hàng loạt các chương trình cho vay ưu đãi như phục vụ chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ, giảm tổn thất trong nông nghiệp; ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay phát triển thủy sản, tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên và xây dựng nông thôn mới… Agribank còn tiên phong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững. Đây cũng cách để Agribank đón “làn sóng đầu tư” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tích cực đồng hành cùng ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đại diện lãnh đạo Agribank chia sẻ, trước khi có gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Từ nguồn vốn này, đã giúp mô hình trồng rau, hoa, quả ở Lâm Đồng; cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ; chăn nuôi ở Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam; đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp ở Tiền Giang, Long An; nuôi tôm giống ở Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận; trồng hoa lan, nuôi bò sữa ở Củ Chi, Kon Tum; trồng mía ở Khánh Hoà, Tuyên Quang; ngô ở Sơn La; hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên; thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bình Thuận… có vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản sạch. Hiện, các mô hình này đã bước đầu mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng đầu tư” trong lĩnh vực này, đưa dư nợ của gói tín dụng đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.
Nhờ chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ kịp thời và vay vốn lưu động, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã hồi sinh |
Mục tiêu dư nợ tam nông chiếm trên 70%
Từ năm 2016 đến hết tháng 4.2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay; triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm để hỗ trợ các đối tượng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên. |
Trong điều kiện hoạt động đặc thù, đối tượng cho vay ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, món vay thường nhỏ lẻ; hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp… Agribank phải bỏ ra một lượng chi phí không nhỏ để dự trữ điều hòa tiền mặt, chưa kể chi phí kiểm đếm, bảo hiểm tiền, hệ thống kho tàng, thiết bị. Bên cạnh đó, việc huy động vốn cũng phải thực hiện với lãi suất cạnh tranh nhằm thu hút nguồn lực, kịp thời điều tiết về khu vực nông nghiệp, nông thôn. Khó khăn là vậy, nhưng Agribank vẫn đề ra mục tiêu cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ, quán triệt các chi nhánh trên toàn hệ thống tập trung mở rộng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Theo đó, hàng loạt các giải pháp nghiệp vụ đồng bộ được Agribank triển khai có hiệu quả theo nguyên tắc vừa chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng vừa bảo đảm an toàn vốn. Tăng trưởng tín dụng phải gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn, hiệu quả. Agribank đẩy mạnh huy động vốn, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân đối với các lĩnh vực ưu tiên đó là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp. Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Năm 2016, Chính phủ đưa ra hàng loạt các cam kết chính sách về ưu đãi đầu tư, tích tụ ruộng đất, cải cách thủ tục hành chính... do đó, xu hướng đầu tư vào thị trường nông nghiệp ngày càng hiện hữu. Để giữ vững vị trí số một trên thị trường tín dụng “Tam nông”, khơi thông dòng chảy nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, Agribank xây dựng chiến lược đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến từng hộ sản xuất theo hướng mở các ngân hàng lưu động, liên kết hợp tác với hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở để đồng hành với doanh nghiệp và hộ sản xuất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Lần đầu tiên trong quy chế cho vay khách hàng, Agribank đã mạnh dạn dành riêng một phần quy định về “cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn” trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh…