Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho biết, dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều, chỉnh lý nhiều nội dung như: phạm vi điều chỉnh, các hành vi bị nghiêm cấm, quy tắc giao thông, điều kiện phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉnh lý lại kết cấu của các chương, điều cho hợp lý và khoa học hơn.
Về tên gọi, Chính phủ nhận thấy đổi tên Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thành “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” là phù hợp với phạm vi, đối tượng, điều chỉnh và mục tiêu của Luật này, đó là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, duy trì, bảo đảm trạng thái trật tự, kỷ cương, nề nếp tham gia giao thông.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhất trí đối với sự cần thiết ban hành Luật như được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Dự thảo Luật cơ bản bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp với các điều ước quốc tế và thực tiễn phát sinh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Về bố cục dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí bố cục của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung để bổ sung cho đầy đủ và có sự điều chỉnh, sắp xếp cho cân đối, lô-gíc các chương, điều trong dự thảo Luật phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật. Có ý kiến cho rằng nhiều nội dung về quản lý nhà nước còn quy định rải rác trong các chương, cần rà soát để tập trung vào Chương VII.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cho rằng hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị tốt, tương đối đầy đủ, bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu tới.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất là tránh trùng lặp với dự thảo Luật Đường bộ vì 2 dự án Luật này có rất nhiều nội dung giao thoa.
Qua ý kiến tại phiên họp, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là dự án Luật khó, liên quan đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Do đó, phải chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, tổ chức thẩm tra nghiêm túc, chất lượng hơn để làm cơ sở cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong quá trình thảo luận cho ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, góp phần hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất.
Đồng thời yêu cầu 2 cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ rà soát toàn bộ nội dung để hạn chế sự chồng chéo về mặt nội dung. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 dự án Luật này và có kế hoạch phân công cụ thể các cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra theo lĩnh vực phụ trách để tổ chức phiên họp thẩm tra chính thức.