Thiếu hành lang pháp lý
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, đối với vấn về quản lý, khai thác và sử dụng đất không gian ngầm, theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương thì việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; trong đó, có đất không gian ngầm là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra. Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, không gian ngầm vẫn còn những bất cập.
Đại biểu cũng dẫn chứng việc thiếu những quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với công trình ngầm độc lập; chưa có quy định về thu tiền thuế đất để xây dựng công trình ngầm; việc thu hồi, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình ngầm cũng chưa có những quy định cụ thể...
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Phi Thường cũng chỉ rõ: theo quy hoạch, tại thành phố Hà Nội có 75,6km đường sắt đô thị đi ngầm và thành phố Hồ Chí Minh là 66km. Đây là số liệu khá lớn và rất cần chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình ngầm. Dó đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng đất, không gian ngầm vào Điều 214 của Dự thảo để giải quyết được những vấn đề tồn tại, bất cập đã nêu.
ĐBQH Nguyễn Phi Thường cũng nhấn mạnh, cần quan tâm làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình ngầm; quyền sử dụng đất ngầm nằm đan xen với phần ngầm của công trình trên mặt đất; quy định về tài chính đối với sử dụng đất công trình ngầm; việc xác định không gian sử dụng đất theo chiều sâu, quyền, nghĩa vụ người sử dụng đất công trình ngầm; chế độ sử dụng đất đối với các loại công trình ngầm, cơ chế, chính sách huy động khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng công trình ngầm...
Kiến nghị tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Đáng chú ý, đại biểu cũng dẫn chứng từ thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô cho thấy, việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần theo nghị quyết của Quốc hội đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Sau gần 1 năm kể từ khi Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành khoảng 81,5%; trong đó, các địa phương đã di dời 6.070 ngôi mộ, một khối lượng rất lớn, kỷ lục về mặt thời gian và tiến độ và đến ngày 25.6.2023, dự án sẽ được khởi công thực hiện.
ĐBQH Nguyễn Phi Thường cũng chỉ rõ Điều 92 của Dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng đã xác định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập và trách nhiệm tổ chức thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư. Tuy nhiên, nội dung còn chung chung, khá sơ sài, chưa thực sự rõ. Để tạo điều kiện thuận lợi, triển khai thực hiện có hiệu quả việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cụ thể hóa nội dung quy định tại Điều 92 của Dự thảo Luật; trong đó, lưu ý các vấn đề cụ thể hóa các trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án riêng và theo hướng mở để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định cơ cấu, thành phần hồ sơ dự án này, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt cũng như vai trò, trách nhiệm các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, phê duyệt loại dự án này.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Phi Thường đề xuất cần bổ sung đưa vào Mục 5 Chương VII của Dự thảo một điều quy định về quy hoạch, kế hoạch tái định cư gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trung hạn và hằng năm. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung chính sách để triển khai thực hiện đầu tư trước dự án xây dựng khu tái định cư theo hướng tổng thể, không nên triển khai chỉ sử dụng dành riêng cho 1 dự án cụ thể mà cần tạo lập quỹ đất tái định cư mang tính tập trung, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ tái định cư cho nhiều dự án trong cùng 1 khu vực.
Về chia sẻ điều tiết giá trị tăng thêm thửa đất do đầu tư hạ tầng, đại biểu đề nghị, nên xem xét, bổ sung cơ chế chia sẻ giá trị tăng thêm từ đất đai sau khi đầu tư dự án hạ tầng giao thông đô thị, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai. "Đây là một công cụ rất quan trọng, không những huy động nguồn lực tái đầu tư vào hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt các công trình có vốn đầu tư lớn mà tạo động lực để phát huy sự sáng tạo của các nhà đầu tư tư nhân", ĐBQH Nguyễn Phi Thường nêu rõ.