Giải quyết kiến nghị trước 10.12.2023
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản (số 55/ĐĐ-ĐĐBQH) về việc đôn đốc giải quyết đơn của ông Bùi Thanh Tuấn, TP Thủ Đức, gửi Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Theo đó, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhận được đơn của ông Bùi Thanh Tuấn (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức). Nội dung: Kiến nghị về việc không đồng ý đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự án thành phần 2 đường Vành đai 3 qua TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Thủ Đức theo văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26.4.2023 do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án lập.
Liên quan đến vụ việc trên, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã có phiếu chuyển số 318/PC- ĐĐBQH ngày 25.7.2023 chuyển Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Đến nay Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng như người dân vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
“Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức xem xét, giải quyết đơn của ông Bùi Thanh Tuấn theo thẩm quyền, trả lời công dân và thông báo kết quả đến Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh chậm nhất là ngày 10.12.2023", văn bản của Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu rõ.
Thời gian qua, ông Tuấn cùng một số hộ dân khác có đất tiếp giáp mặt tiền đường lớn bị thu hồi bởi dự án đường Vành đai 3 liên tục có đơn kiến nghị gửi đến nhiều cơ quan đề nghị xem xét lại chính sách đền bù, hỗ trợ (chính sách bồi thường tại văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26.4.2023 do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án lập – PV).
Trong đơn các hộ dân kiến nghị vì đất trồng cây lâu năm tiếp giáp mặt tiền đường lớn có hệ số k thấp hơn đất trong hẻm, đất không tiếp giáp với đường giao thông. Cụ thể theo văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26.4.2023 nói trên, hệ số K của đất trồng cây lâu năm tại vị trí 1 (tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) là 17,0489 thấp hơn các vị trí 2 (không tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) hệ số K 19,3056; Thấp hơn vị trí 3 (không tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) hệ số K 22.1528.
Không những thế trên cùng tuyến đường Nguyễn Xiển nhưng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương có giá đền bù hơn 16,7 triệu đồng/m2 còn tại địa bàn TP Thủ Đức chỉ có giá 7,6 triệu đồng/m2.
Mặt khác, giá bồi thường đất nông nghiệp do Nhà nước đưa ra thấp hơn nhiều so với giá mà người dân thuê đơn vị thẩm định. Cụ thể: giá đất nông nghiệp người dân thuê đơn vị thẩm định lên đến 33 triệu đồng/m2 còn giá đơn vị Nhà nước thuê đơn vị thẩm định chỉ 7,6 triệu đồng/m2.
Cần công khai chứng thư thẩm định giá
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, ông Bùi Thanh Tuấn đề nghị cần công khai chứng thư thẩm định giá.
Theo ông Tuấn, công khai chứng thư thẩm định giá thì người dân mới biết được đơn vị thẩm định giá căn cứ vào đâu mà đưa ra mức giá bồi thường quá thấp như vậy, cơ quan chức năng cho rằng giá đền bù sát giá thị trường (hiện đang giao dịch ở mức 40 – 50 triệu đồng/m2) trong khi giá đền bù đưa ra chỉ hơn 7,6 triệu đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm tiếp giáp mặt tiền đường lớn.
Được biết, ngày 5.10.2023, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành quyết định (số 4543/QĐ-UBND) về phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 trên địa bàn TP Thủ Đức (áp dụng đối với các trường hợp đến thời hạn thu hồi đất ở chưa đồng thuận nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bổ sung một số vị trí đất ở có hình dáng đặc thù và các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp bổ sung, đất nông nghiệp trong cùng thửa, khuôn viên đất ở).
Tuy nhiên, đối chiếu giữa văn bản 4543/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh và văn bản số 314/CSBT-HĐBT của TP Thủ Đức thì hệ số K đất ở đô thị, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm tại các phường Long Trường, Trường Thạnh không có gì thay đổi (hệ số K đất trồng cây lâu năm tiếp giáp mặt tiền đường lớn thấp hơn đất trong hẻm, đất không tiếp giáp với đường giao thông).
Nhìn nhận về vấn đề trên, Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đất thuộc vị trí 1 (tiếp giáp đường lớn) có các yếu tố, điều kiện thuận lợi hơn đất có vị trí 2, 3… Quyết định số 4543/QĐ-UBND nói trên quy định hệ số K của đất có vị trí 1 thấp hơn vị trí 2, 3 nhưng không kèm thuyết minh chi tiết, rõ ràng vì sao lại có hệ số K như vậy nên nhiều người dân thắc mắc. Người dân cần được biết cơ quan chức năng căn cứ vào điều kiện gì, tiêu chí nào để tính ra hệ số K như vậy. Cần phải phân tích cho người dân rõ các tiêu chí phân loại để tính hệ số k thì người dân mới hết thắc mắc.
Cũng theo luật sư Thường, giá đất được tính theo nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó có phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Theo phương pháp này, hệ số K do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy định và ban hành dựa theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP: “Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với giá đất trong bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.”. Cụ thể: mức giá đất của thửa đất = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K).
Đồng thời, giá đất tính theo hệ số K được áp dụng trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều 114, khoản 2 Điều 172 và khoản 3 Điều 189 Luật Đất đai 2013.
Tại Điều 3 Quyết định 28/2022/QĐ-UBND ngày 15.8.2022 của UBND tại TP. Hồ Chí Minh, quy định rõ: Việc áp dụng hệ số K phải lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi và thu thập thông tin tại khu vực (quận, huyện) lân cận có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đồng để cân đối với hệ số điều chỉnh (K).