Thông qua 23 dự thảo nghị quyết
Sau gần 2 ngày làm việc, trưa 2.7, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đồng Tháp Khóa X đã bế mạc và hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thông qua 23 dự thảo nghị quyết quan trọng; kiện toàn công tác nhân sự và thông qua Chương trình giám sát năm 2025 của HĐND tỉnh.
Trong đó, có các nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến công; phương án điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 do tỉnh quản lý và phân bổ; phương án bảo vệ, khai thác tài nguyên trong Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung danh mục dự án thu hồi đất; bổ sung danh mục chuyển mục đích đất trồng lúa nước để thực hiện dự án năm 2024,…
Đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm OCOP
Tại kỳ họp này, qua đường dây nóng, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận 2 ý kiến của cử tri và đã chuyển đến UBND tỉnh và huyện Tháp Mười xem xét, trả lời kiến nghị của cử tri.
Đáng chú ý, trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp, HĐND tỉnh thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên UBND tỉnh về: Trật tự an toàn giao thông, phát triển sản phẩm OCOP và công tác đầu tư, xử lý chất thải trên địa bàn.
Theo đó, trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến môi trường, đầu tư các khu xử lý chất thải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cho biết: toàn tỉnh hiện đang thu gom khoảng 734 tấn rác sinh hoạt/ngày đưa về xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại 15 khu xử lý, bãi rác tạm.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã kêu gọi đầu tư xã hội hóa được 2 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động chưa bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; đang tạm đình chỉ hoạt động 1 dự án, 1 dự án triển khai chậm tiến độ cam kết.
Về giải pháp cho vấn đề xử lý rác thải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan hoàn thiện, trình UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí và đề xuất Hội đồng đánh giá nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, ưu tiên đốt rác phát điện để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Đối với xử lý các bãi rác tạm, khu xử lý chưa bảo đảm về vệ sinh môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát từng địa phương, từng khu xử lý, bãi rác cụ thể để đánh giá hiện trạng; đồng thời, tính toán chi phí đầu tư để khắc phục ô nhiễm môi trường,…
Về phát triển sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Vũ Minh cho biết: toàn tỉnh hiện có 453 sản phẩm; trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 85 sản phẩm 4 sao và 367 sản phẩm 3 sao. Về chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP có khá nhiều, trong đó có lồng ghép với chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại. Gần đây, tiêu thụ sản phẩm OCOP được gắn với các điểm du lịch, tỉnh thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP…
Tập trung thực hiện hiệu quả 12 giải pháp chủ yếu
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, UBND tỉnh đề ra 12 giải pháp. Trong đó, tiếp tục phát huy lợi thế nông nghiệp; khôi phục và phát triển các doanh nghiệp, tiếp tục đưa các nhà máy đi vào hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung cho các chương trình trọng tâm như tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp; giải quyết việc làm, đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc nước ngoài; phát triển các sản phẩm OCOP…
Sắp tới, tỉnh cũng sẽ tổ chức sự kiện Mekong Startup lần thứ II, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương khởi nghiệp. Đồng thời, tập trung các dự án đầu tư công, kích hoạt các dự án đầu tư tư nhân; tiếp tục xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân; đẩy mạnh chuyển đổi số vào các lĩnh vực; tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo; giữ vững an ninh trật tự; phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa ra mắt…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng nhấn mạnh: Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2024 là rất nặng nề. Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng; bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
+ Trong chương trình kỳ họp, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện quy trình miễn nhiệm 2 đại biểu HĐND tỉnh; bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chánh Thanh tra tỉnh và bà Võ Phương Thủy, Giám đốc Sở Công Thương.