Theo đánh giá tại phiên họp, trong tháng 3, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thuộc chương trình giám sát năm 2023 cho phù hợp yêu cầu thực tế. Trong đó, chuyển phương thức giám sát đối với UBND tỉnh từ giám sát chuyên đề sang phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác thu thuế và thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2018 - 2022, định hướng đến năm 2025. HĐND tỉnh cũng tổ chức thành công Kỳ họp đột xuất lần thứ Tư để quyết định một số nội dung quan trọng liên quan đến yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; gặp mặt đại biểu HĐND trẻ với chủ đề Khơi dậy nhiệt huyết, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân...
Tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh cũng nghe Báo cáo kết quả làm việc với ngành y tế và một số nội dung qua rà soát đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách về nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, xem xét, cho ý kiến đối với nội dung trình của UBND tỉnh.
Trên cơ sở đề xuất của Ban Pháp chế, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng dự thảo nghị quyết: quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống văn bản trên địa bàn tỉnh; quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội có tính chất đặc thù.
Riêng nội dung quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội có tính chất đặc thù, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét tích hợp đối tượng hưởng thù lao đối với lao động trong các tổ chức hội cấp xã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo tinh thần Kế hoạch số 119/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Thông báo số 158/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp thực thực hiện Kết luận 102/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng trong tình hình mới…
Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức khảo sát, giám sát kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu lao động, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức khảo sát các chính sách hỗ trợ, công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; hiệu quả của các lô hàng nông sản lần đầu tiên được xuất khẩu nước ngoài và một số mô hình quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương trên địa bàn tỉnh. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sẽ khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong chuyển mục đích sử dụng đất lúa và việc thực hiện các dự án có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Thắng đánh giá cao việc linh hoạt, chủ động thực hiện các chương trình đổi mới về phương thức hoạt động của HĐND. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, HĐND tỉnh cần nâng cao hơn nữa chất lượng phiên giải trình, công tác giám sát và thống nhất giám sát chuyên đề về đầu tư công.
Các Ban HĐND tỉnh chủ động nắm chắc thông tin phục vụ công tác thẩm tra; nghiên cứu đi sâu vào nội dung thẩm tra; nghiên cứu đề xuất tổ chức khảo sát nắm tình hình thực hiện chủ trương đào tạo, xem lại việc cấp giấy phép cho các cơ sở đào tạo đã đúng điều kiện; khảo sát, đánh giá thực trạng xử lý rác thải tại một số địa phương…
Đặc biệt, để chuẩn bị cho công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị qua giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh; sớm có kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để đạt kết quả thực chất. "Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ", Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Thắng nhấn mạnh.