Giải quyết đúng thời gian quy định
Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện 25 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và 16 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 3 dịch vụ công thanh toán trực tuyến; tất cả đều thực hiện ở cấp độ 4. Đồng thời, các thủ tục hành được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thuận tiện khi cần giải quyết công việc.
Tại BHXH tỉnh Trà Vinh, số thủ tục hành do cơ quan BHXH tỉnh giải quyết gồm 25 thủ tục; do BHXH cấp huyện giải quyết gồm 24 thủ tục. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc công khai các thủ tục hành về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của BHXH tỉnh Trà Vinh. Tính đến 31.5 toàn tỉnh có 1.745/1.820 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ 95,88% so với tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo đại diện BHXH tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, đơn vị luôn duy trì và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ tỉnh đến huyện trong giải quyết thủ tục hành cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành qua dịch vụ bưu chính công ích. BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh cũng đã có các văn bản phối hợp chặt chẽ trong chuyển phát hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành về chính sách BHXH, BHYT qua dịch vụ bưu chính; tăng cường triển khai giao dịch điện tử giữa cơ quan BHXH và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Báo cáo của BHXH tỉnh cho thất, trong 6 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã thực hiện tiếp nhận 85.791 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ, chính sách các loại, đã giải quyết và trả kết quả đối với 83.241 hồ sơ các loại đúng thời gian quy định. Trong đó có 42.179 lượt hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua hệ thống Bưu điện.
BHXH tỉnh Trà Vinh cũng đang tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hoá và cắt giảm thủ tục hành trong các lĩnh vực của ngành BHXH Việt Nam; tăng cường đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các quy định về thủ tục hành, không gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân.
Tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân
Đại diện BHXH tỉnh Trà Vinh cho hay, để đạt được những kết quả trên, cùng với việc bảo đảm thời gian giải quyết các thủ tục hành về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp liên quan đến doanh nghiệp được duy trì, đạt chất lượng tốt, không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ; việc công khai, minh bạch các thủ tục hành trên Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh, các yêu cầu về điều kiện kỹ thuật, hạ tầng, công nghệ cũng góp phần quan trọng. Điều này cũng góp phần bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu, lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Mặt khác, BHXH tỉnh Trà Vinh cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai toàn diện việc chuyển đổi số, thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành, tổ chức, đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật; phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Theo đó, BHXH tỉnh đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình và đã hoàn thành việc thu nhập thông tin hộ, các thành viên trong hộ gia đình, góp phần cùng BHXH Việt Nam xây dựng nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. BHXH tỉnh cũng đã triển khai thành công ứng dụng VssID - BHXH số cho hơn 184 nghìn người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID; giúp người sử dụng quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, BHXH tỉnh Trà Vinh cũng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT.
BHXH tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán điện tử song phương với các ngân hàng thương mại; thực hiện tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.