 Kiểm tra thiết bị dàn khấu than lò chợ tại khai trường than Nam Mẫu |
Đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác…
Theo quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, sản lượng than thương phẩm sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 65 triệu tấn (năm 2020) và 75 triệu tấn (năm 2030), trong đó, sản lượng hầm lò chiếm tỷ lệ lớn. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có chủ trương phát triển ngành than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu khấu than, chống giữ lò chợ, vận tải và đào lò tại những khu vực điều kiện địa chất cho phép, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng.
Năm 1996 mới có một vài mỏ tiên phong thử nghiệm đưa cơ giới vào khai thác than hầm lò bằng vì ma sát thay cho chống giữ lò bằng gỗ, thì nay công nghệ đó đã lạc hậu. Còn hiện nay, 100% lò chợ khai thác than đã được áp dụng công nghệ khai thác than tiên tiến vì chống thủy lực: từ cột thủy lực đơn, rồi giá thủy lực di động, và khung giá thủy lực để chống giữ lò. Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ từ khâu đào than đến khâu vận chuyển, sử dụng máy khấu than Combai, khoan tự hành Tam rốc, máy đào lò hiện đại AM-50Z, AM-45, máy khoan đường kính lớn BGA-2M, máy xúc đá, máy cào vơ vận chuyển bằng băng tải, xe điện ở lò bằng, tời trụ ở giếng nghiêng… Như vậy, đến nay không còn đơn vị nào của ngành than khai thác hầm lò thủ công bằng chống gỗ, buồng cột và đào lò lấy than. Ngành than đã có chục lò chợ cơ giới hóa đồng bộ bằng dàn chống 2AHIII tại Công ty than Mạo Khê, Hồng Thái, dàn chống tự hành VIALTA tại Công ty than Vàng Danh, Nam Mẫu, dàn chống cơ giới hóa đồng bộ do Trung Quốc chế tạo đầu tư tại Công ty than Khe Chàm, trên 30 lò chợ chống bằng giá khung thủy lực ZH, GK, ZL, ZHT được đầu tư cho khai thác lò chợ công suất cao, có 50 lò chợ chống lò bằng thủy lực đơn và 48 lò chợ sử dụng giá thủy lực XDY đang hoạt động tại các mỏ than hầm lò. Nhiều đơn vị đã áp dụng thành công đào lò bằng máy combai AM-45 và AM-50Z để nâng cao tiến độ đào lò phục vụ mở rộng diện sản xuất.
Đơn cử năm 2000, việc khai thác than hầm lò của Hà Lầm chủ yếu sản xuất thủ công với phương pháp khấu than bằng nổ mìn, chống giữ lò chợ bằng gỗ, công tác vận chuyển than từ lò chợ ra cửa lò cơ giới hóa mức độ thấp, sản lượng khai thác hàng năm của công ty chỉ đạt trên 300.000 tấn/năm; thì nay 100% lò chợ của Hà Lầm đều áp dụng công nghệ mới chống giữ lò bằng giá thủy lực di động, cột thủy lực đơn, giá khung GK, giá thủy lực di động liên kết xích trong gương than, vận chuyển than từ lò ra bằng hệ thống băng tải, các thiết bị bốc xúc đều được cơ giới hóa như máy đào lò hiện tại AM-50Z, khoan tự hành Tam Rốc, máy xúc đá, máy cào vơ… Công nghệ này vừa tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn cho thợ mỏ và thân thiện với môi trường… đặc biệt đã đưa năng suất một lò chợ lên 20 - 30 nghìn tấn/tháng và 200.000 - 300.000 tấn/năm (gần bằng cả sản lượng của mỏ khai thác trong các năm 1990 của thế kỷ XX). Hiện nay Công ty than Hà Lầm đang khai thác ở độ sâu - 150 và mở vỉa bằng 3 lò giếng đứng tới mức - 300 sâu so với mặt nước biển với tổng mức đầu tư 2,2 nghìn tỷ, dự án hoàn thành sẽ đủ tài nguyên cho Hà Lầm xuất trong thời gian 40 - 50 năm với sản lượng 2,5 triệu tấn/năm.
Bảo đảm an toàn cho người lao động
Bên cạnh việc đổi mới công nghệ, ngành than đã đầu tư đồng bộ các thiết bị an toàn như máy khoan thăm dò phòng sự cố, phụt khí, bục nước; thiết bị an toàn phòng nổ hầm lò, hệ thống giám sát tự động khí mê tan đã cơ bản kiểm soát khí 24/24h/ngày ở các nơi làm việc, hệ thống tự động giám sát người ra vào mỏ, hệ thống chỉ huy sản xuất tập trung qua màn hình internet, hệ thống thông gió, các trạm đo khí, hệ thống cấp nước cứu hỏa, phòng chống cháy nổ, hệ thống cung cấp khí nén trong lò, chiếu sáng, thoát nước, thông tin liên lạc, thiết bị thăm dò đi trước gương than, thiết bị cảnh báo khí metan, thiết bị thông gió, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, trạm cấp cứu mỏ… nhằm nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ mỏ, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tổn thất than và các chi phí sản xuất bảo đảm ngành than sản xuất kinh doanh bền vững và hiệu quả.
Thực tế áp dụng cơ giới hóa tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy, khả năng tăng sản lượng khai thác và tốc độ đào lò khi áp dụng cơ giới hóa cao hơn nhiều so với khoan nổ mìn thủ công. So với đào lò thủ công, tốc độ đào lò bằng cơ giới hóa tăng hai đến ba lần, so với khai thác thủ công khoan nổ mìn sử dụng giá thủy lực di động và giá khung di động, công suất khai thác từ lò chợ cơ giới hóa tăng 1,5 đến 1,8 lần. Hơn nữa, việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa, từ đó giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ từ 1,5 đến 2 lần, năng suất lao động tăng 1,5 đến 2,5 lần, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn hẳn so lò chợ thủ công… Theo tính toán, nếu áp dụng khoan nổ mìn thủ công, với công suất khai thác hiện nay, vào năm 2015 phải tăng từ 127 lò chợ lên 226 lò chợ, số lao động tăng 1,78 lần (hơn 32.000 công nhân) và năm 2025 tăng lên 364 lò chợ, số lao động tăng 2,86 lần (50.400 công nhân)… Do đó, để hạn chế tăng số lượng công nhân khai thác nhưng vẫn đáp ứng việc tăng sản lượng than khai thác theo quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững ngành than, nhất thiết phải triển khai áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong khai thác và đào lò.
Nguyễn Sơn Hải