Chiều 29.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tăng định mức phân bổ kinh phí cho chăm sóc sức khỏe ban đầu
Y tế cơ sở là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đảm nhiệm vai trò tuyến đầu trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế. Trong điều kiện dịch bệnh, tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở đã được khẳng định, trở thành mắt xích then chốt để ngăn chặn dịch. Y tế dự phòng là chiến lược trước mắt cũng như lâu dài, đỡ tốn kém song mang lại hiệu quả bền vững nhất. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng cho rằng, để hoàn thành được mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn về các chính sách, cơ chế, sự đáp ứng về nguồn lực đối với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng thời gian qua. Đặc biệt, cần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Khóa 9 về việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Đại biểu cũng đề nghị, cần tập trung chính sách, ngân sách của Nhà nước cho y tế dự phòng và y tế cơ sở, tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và đầu tư đầu tư cho y tế dự phòng. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra. Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế cho y tế cơ sở theo hướng phối hợp các phương thức chi trả để khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Có cơ chế giá dịch vụ y tế và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám chữa bệnh ở y tế cơ sở. Mở rộng hình thức và Nhà nước đặt hàng và kết hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế công lập.
Đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị, các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế cần mạnh mẽ, đồng bộ, khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc, gắn bó lâu dài với y tế cơ sở. Các chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng cần được xét lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Về chính sách thuộc chế độ phụ cấp y tế cơ sở tại các y tế cơ sở công lập theo Nghị định 05, đại biểu đề nghị cho hưởng phụ cấp ưu đãi 100% đối với tất cả cán bộ, viên chức đang làm tại tuyến y cơ sở.
Hiện nay, một số trường công lập đào tạo khối ngành sức khỏe đang hoạt động tự chủ nên nguồn kinh phí đến từ nguồn học phí. Do vậy, việc tăng học phí đối với ngành sức khỏe trong khi thời gian học dài gây áp lực với người học và gia đình. Nêu vấn đề này, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần có chính sách quy định hỗ trợ học phí cho học viên, sinh viên ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Đổi mới chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở
ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, cần quan tâm đến chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở bởi hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Mặc dù có những địa phương đã ban hành chính sách thu hút bác sĩ về công tác y tế tại cơ sở, nhưng nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế dẫn đến tình trạng đội ngũ y, bác sĩ chuyển vùng cũng diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần tại Nghị định 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số chưa tạo điều kiện cho đối tượng này được cử tuyển vào ngành y. Theo Nghị định này, người dân tộc thiểu số được cử tuyển phải có hộ khẩu 5 năm liên tục tại các xã đặc biệt khó khăn.
Như vậy, các đối tượng thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới lại không thuộc đối tượng này. Mặc dù nông thôn mới nhưng đời sống của nhân dân vẫn rất nghèo, trong khi đó, điều kiện tiêu chuẩn đầu vào của ngành y là rất cao. Có những địa phương hàng năm không có học sinh nào được cử tuyển, dẫn đến việc người địa phương được đào tạo để quay về công tác lâu dài tại địa phương là khó thực hiện.
Nêu thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh mong muốn, Chính phủ cần quan tâm đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kể cả các xã về đích nông thôn mới để người học thuộc các địa bàn khó khăn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập, nhất là ngành y.
Cùng với đó, Chính phủ cần nâng phụ cấp trực cho nhân viên y tế được quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Nâng phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản từ 0,5 mức lương cơ sở lên 1,0 % mức lương cơ sở/người/ tháng. Có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn mà chưa được chuyển vùng hoặc không có nguyện vọng chuyển vùng để họ yên tâm công tác lâu dài tại địa phương.