Nội dung cuộc làm việc nhằm phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Nguyễn Văn Đồng cho biết, những năm qua, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ổn định; kinh tế phát triển khá; quốc phòng, an ninh thường xuyên được củng cố vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp không ngừng được cải thiện.
Qua 20 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả khá. Các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trên địa bàn, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu, thiết kế với sản xuất, sẵn sàng đáp ứng về nhu cầu trang bị mới và sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm vũ khí trang bị cho quân đội góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng của địa phương và của đất nước. Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp từng bước trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp địa phương.
Trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, tạo điều kiện thuận lợi về quy hoạch và bảo đảm quỹ đất cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh và cơ sở động viên công nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật; khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh có chế độ thu hút nhân tài, tuyển chọn nguồn nhân lực theo đặc thù...
Về hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm phục vụ công tác dân sinh: ngoài sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu quốc phòng, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trên địa bàn tỉnh còn sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho dân sinh như: Nhà máy Z127 sản xuất các sản phẩm cơ điện, gia công hợp kim mầu, hợp kim Nhôm…; Nhà máy Z131 sản xuất các sản phẩm hợp kim nhôm, inox, ống kẽm phục vụ trong xây dựng và công trình dân sinh... Tỉnh Thái Nguyên tạo môi trường thuận lợi tối đa để các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt cạnh tranh lành mạnh trong tiêu thụ các sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chưa được các cấp, các ngành thực sự quan tâm; việc triển khai thực hiện Pháp lệnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp chưa chú trọng phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sản xuất các sản phẩm có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Nhằm khắc phục những khó khăn trên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên mong muốn, Quốc hội sớm ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện. Sau khi Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được ban hành, đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành chức năng có liên quan ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, cụ thể về việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Thay mặt Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp của UBND tỉnh Thái Nguyên. Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên, Trung tướng Nguyễn Hai Hưng cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tổng hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến, kiến nghị trong quá trình thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, với quan điểm các quy định phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật.