Trên cơ sở giám sát qua báo cáo và giám sát trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Hưng Yên đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018;kịp thời biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; tích cực chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học...
Tỉnh cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên nhận định, các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và tự chủ của nhà trường, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được thường xuyên chú trọng nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ...
Tuy nhiên, khó khăn của Hưng Yên trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thống 2018 là sau khi sáp nhập, quy mô số lớp, số học sinh tăng dẫn đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của các nhà trường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyên môn. Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường sau sáp nhập tăng nên việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn cũng như sinh hoạt chung gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời; một số trường học còn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tập thể do khoảng cách giữa 2 điểm trường cách xa nhau.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đồng bộ; việc khai thác, sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế. Một số đơn vị trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, một số công trình phụ trợ của các đơn vị trường xây dựng đã lâu nên xuống cấp.
Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương gặp khó khăn trong in ấn, phát hành do công tác đấu thầu mất nhiều thời gian, thủ tục. Việc bồi dưỡng các mô đun chủ yếu thông qua hình thức online, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng...
Qua nghiên cứu Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên và sau 2 ngày giám sát trực tiếp tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn, Đoàn giám sát nhận thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với sự nghiệp giáo dục nói chung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này nói riêng; tinh thần phấn khởi đón nhận chương trình mới của học sinh và giáo viên tại các cơ sở giáo dục Đoàn giám sát đến làm việc trực tiếp; và cả một số lúng túng, khó khăn trong giai đoạn đầu triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như việc dạy học tích hợp, có một số môn học mới, thiếu giáo viên, giá sách giáo khoa chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh...
Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên mới chỉ nêu khái quát về mạng lưới, quy mô trường lớp, học sinh của tỉnh, những thuận lợi và kết quả bước đầu trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Báo cáo cần bổ sung số liệu, căn cứ; đánh giá, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế và nguyên nhân để toàn diện, khách quan và đầy đủ hơn.