Báo cáo về tình hình chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Bùi Hoàng Linh cho biết, việc thực hiện chương trình, kế hoạch và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua được các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp thường xuyên, hiệu quả thông qua các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ trong công tác bảo hộ công dân cũng như các hoạt động tại tỉnh. Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan đã kịp thời phối hợp với cơ quan lãnh sự trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thi hành mọi biện pháp để công dân Bình Định được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích theo pháp luật nước sở tại, các điều ước mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài hoặc tham gia theo tập quán quốc tế.
Bình Định cũng thường xuyên phổ biến đến người lao động các chính sách, quy định của pháp luật và các điều quốc tế trong lĩnh vực di cư ra nước ngoài, các rủi ro, nguy cơ từ việc di cư trái phép cũng như các kênh di cư an toàn cho người lao động, kiên quyết đấu tranh chống nạn mua bán người… giúp người lao động hiểu và nắm vững quy định của pháp luật về di cư, chính sách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, chính sách lao động của nước ngoài nhằm hạn chế hoạt động xuất cảnh trái phép.
Về nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc báo cáo, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành 98 văn bản chỉ đạo thực hiện, trong đó có 1 Chỉ thị, 50 Quyết định, 27 văn bản chỉ đạo và tổ chức 20 cuộc họp để đánh giá, rút kinh nghiệm và có thông báo chỉ đạo cho các Sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp cấp bách về khắc phục “thẻ vàng” của EC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh. Bình Định đã tổ chức 14 đợt kiểm tra thực tế công tác triển khai thực hiện tại các địa phương ven biển.
UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Đoàn công tác liên ngành để phối hợp giải quyết tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm khai thác IUU, yêu cầu bắt buộc chủ tàu, thuyền trưởng phải ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với các địa phương tổ chức 4 buổi tuyên truyền, tập trung ở các địa phương có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài...
Đoàn giám sát ghi nhận, Bình Định đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chính sách, pháp luật cũng như quan tâm đến công tác đưa người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn; hoan nghênh các địa phương của tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đoàn giám sát cũng đề nghị, trong báo cáo của tỉnh cần làm rõ việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Căn cứ chính sách của Nhà nước và ngân sách của địa phương, Bình Định đã ban hành chính sách nào của địa phương nhằm hỗ trợ đối tượng này? Đoàn giám sát đề nghị, địa phương cần chủ động hơn trong thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu của địa phương. Cùng với đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài.
Đánh giá cao tình hình triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC trên địa bàn, Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của Bình Định trong thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân đối với việc chống khai thác IUU. Qua báo cáo của tỉnh, Đoàn giám sát nhận thấy, Bình Định đã thực hiện công tác tuyên truyền tới ngư dân khá tốt, song, địa phương cần đề xuất các giải pháp phòng, chống khai thác IUU trong thời gian tới; bổ sung các giải pháp lâu dài nhằm phát triển nghề cá bền vững và đề xuất những kiến nghị cụ thể với Quốc hội trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan tới gỡ “thẻ vàng” của EC.
+ Tại Bình Định, Đoàn giám sát đã gặp gỡ một số chủ tàu, ngư dân, thuộc đối tượng được bảo hộ công dân, đánh bắt cá trái phép bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xử phạt.