Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; các thành viên Đoàn giám sát; Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk và đại diện các sở, ngành địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để quy định cụ thể các tiêu chuẩn, định mức về chi tiêu, quản lý tài sản công, góp phần phục vụ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc cắt, giảm, tiết kiệm chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ tân tại địa phương giai đoạn 2016-2021 được tổng số tiền là 26.391 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm 2020 và 2021, địa phương còn thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% số kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với số tiền là 177.263 triệu đồng.
Báo cáo cũng chỉ rõ, trong lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, 2021-2026 và hàng năm, trên địa bàn có đến 90 dự án đầu tư công chậm tiến độ chủ yếu do không bố trí đủ vốn (nhất là 41 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương) hoặc vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, hụt thu từ tiền sử dụng đất (nhất là 39 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương).
Đắk Lắk kiến nghị, Quốc hội sớm quyết định quy hoạch quốc gia, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch các ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Trong đó, trước mắt sớm xác định định hướng về quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng làm cơ sở để các tỉnh triển khai lập quy hoạch tỉnh, bảo đảm bám sát định hướng chung của quốc gia và của vùng. Sớm sửa đổi Luật Đất đai theo hướng có quy định thống nhất chung về đối tượng quản lý, đối tượng sử dụng, loại đất và hình thức giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất (và điều chỉnh các luật có liên quan theo Luật Đất đai)…
Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc quản lý và sử dụng ngân sách trên địa bàn Đắk Lắk được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từng bước đã khắc phục được những hạn chế, yếu kém; việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện…
Tuy nhiên, với hạn chế, bất cập trong lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, 2021-2026 và hàng năm, Đoàn giám sát đề nghị, địa phương làm rõ việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công; đánh giá về tính tập trung trong phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; số dự án đã quyết định chủ trương đầu tư; số phải điều chỉnh chủ trương do tăng tổng mức, thay đổi thời gian, mục tiêu đầu tư; phương án nguồn để bù đắp phần giảm xuống của số thu từ quyền sử dụng đất…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá cao những kết quả Đắk Lắk đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Đắk Lắk về các vấn đề chính sách, luật pháp liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp vào báo cáo chung để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong thời gian tới.