Cùng tham gia Đoàn có đại diện Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên…
Thực hiện dự án thành phần 1.2 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh, đại diện UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp, đất công. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hồi đất và bàn giao cho chủ đầu tư 195,6/230,1 ha, đạt 85%.
Các địa phương nằm trên địa phận dự án đi qua trên địa bàn cũng đã phê duyệt hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, hiện đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công và đang tổ chức thi công xây dựng 11 khu tái định cư và 7 khu cải tạo, mở rộng nghĩa trang.
Tuy nhiên, vướng mắc nổi lên khi thực hiện dự án thành phần 1.2 là khi thực hiện thu hồi đất của một số doanh nghiệp đã có một số đơn vị bị thu hồi hết đất sản xuất hoặc thu hồi phần lớn diện tích đất, phần diện tích còn lại không đủ để tiếp tục hoạt động. Các doanh nghiệp đều đề nghị tỉnh bố trí vị trí khác để đơn vị tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, căn cứ quy định pháp luật liên quan, việc thực hiện các trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng khu sản xuất tập trung nêu trên sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Do vậy, Hưng Yên đề nghị, có cơ chế để địa phương được thực hiện thu hồi đất và xây dựng hạ tầng (san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông) tại khu đất tái bố trí cho các doanh nghiệp này, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đối với dự án thành phần 2.2 (xây dựng đường song hành), theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, dự án đã được khởi công từ tháng 11.2023 và hiện trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức nhiều mũi thi công. Đến nay, tổng giá trị hoàn thành khoảng 35,1/1.253 tỷ đồng; tiến độ thi công cơ bản đạt yêu cầu so với tiến độ đã lập... Đồng thời, do dự án thành phần 2.2 được phê duyệt chậm 4 tháng so với yêu cầu Chính phủ, nên việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán dự án do Sở Giao thông vận tải thực hiện cũng bị chậm theo.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 2 dự án sử dụng nguồn vốn từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 là dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 155 trạm y tế tuyến xã và dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng 40 trạm y tế tuyến xã. Để nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án này, ngay sau khi Nghị quyết 43/2022/QH15 được ban hành, HĐND và UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản liên quan; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được thực hiện kịp thời, sát sao. Việc triển khai các dự án từ nguồn vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến xã, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn tình hình mới.
Nhưng, dù việc cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương được thực hiện kịp thời, thì tiến độ giải ngân hai dự án nêu trên (do Sở Y tế làm chủ đầu tư) đến ngày 31.12.2023 đạt khoảng trên 28% so với vốn bố trí đầu tư. Nguyên nhân do đây là những dự án có quy mô xây dựng trải rộng trên địa bàn; quá trình lập, thẩm định, quyết định gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc rất lớn, phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại các nghị định liên quan; thay đổi thông tư hướng dẫn về mua sắm trang thiết bị y tế; nhiều thiết bị y tế phải nhập khẩu nên mất nhiều thời gian thực hiện...
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy hoàn thiện các hạng mục đầu tư đã được phê duyệt, bảo đảm dự án kết thúc hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Thay mặt Đoàn, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những nỗ lực của Hưng Yên và các đơn vị liên quan trong việc bảo đảm tiến độ của dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô và một số dự án sử dụng nguồn lực của Nghị quyết 43/2022/QH15; chủ động ứng ngân sách địa phương để thực hiện các hạng mục đầu tư.
Trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khắc phục việc phê duyệt dự án thành phần 2.2 và 1.2 đều bị chậm 4 tháng so với kế hoạch được Chính phủ giao, Trưởng ban Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cho biết các kiến nghị sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, báo cáo Quốc hội; đề nghị, địa phương tăng cường tuyền truyền, nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại địa phương có dự án đi qua, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong Nhân dân.