Tôi đã lái xe ở London, nơi có đoàn cán bộ ở ta vừa đi “học tập kinh nghiệm” về. Thành phố này từ lâu đã thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm. Nhưng cả London không có trạm thu phí nào, lái xe xuyên qua thành phố cứ bon bon. Vậy phí được thu như thế nào? Bắt đầu vào khu vực thu phí (zone 1, 2 tương tự như quận 1, 3 ở TP Hồ Chí Minh), sẽ thấy có biển thông báo (giống biển báo giao thông), camera quét bảng số và sẽ trừ thẳng tiền vào tài khoản đăng ký của chủ phương tiện (Auto Pay). Nếu là xe thuê, bên cho thuê sẽ thông báo và trừ vào số tiền đặt cọc. Đơn giản vậy thôi.
Và tất cả các thành phố lớn của nước Anh đều quy hoạch các bãi đỗ xe ở vành đai bên ngoài trung tâm, gọi là P&R (Park and Ride), nơi mọi người có thể tới đậu xe miễn phí và bắt xe bus (bến ngay đó) để vào trung tâm.
Còn các thành phố hạn chế xe hơi ở Italy hay Pháp, thì không thu phí mà cắm biển cấm xe vào luôn (chỉ ngoại lệ cho xe có giấy phép của nhà chức trách địa phương), và phạt rất nặng (hàng trăm euro) nếu vi phạm. Nhưng xung quanh khu vực cấm ấy, bao giờ cũng có bãi đậu xe có thu phí.
Tổ chức quy củ và hợp lý như vậy, giảm bớt lượng xe vào trung tâm thành phố, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đậu xe và sử dụng phương tiện công cộng từ nơi đậu xe vào trung tâm. Vậy là lượng xe vào trung tâm được kiểm soát, người dân vẫn được sử dụng xe hơi đúng yêu cầu, phương tiện công cộng lại thêm phát triển.
Còn TP Hồ Chí Minh đã kẹt, lại sẽ thêm 34 cục u tắc nghẽn nữa. Nhìn đâu xa, cứ xem dòng xe kẹt mỗi ngày ở trạm thu phí cầu Phú Mỹ, bây giờ lan sang cao tốc Long Thành - Dầu Giây là biết. Việc thu phí không giúp hạn chế người dân lái xe vào trung tâm, vì không thì biết đi bằng gì khi hệ thống giao thông công cộng còn rất hạn chế, khi không phải ai/lúc nào/ở đâu cũng có thể đi bộ/xe đạp/xe máy vào trung tâm. Trong khi ấy, không có một bãi đậu xe hơi nào được thành phố xây dựng (dạng Public Parking), tất cả các bãi đậu xe của thành phố hiện nay đều nằm trong các khu trung tâm thương mại, khách sạn, và hầu hết ở khu trung tâm.
Đây thực chất là hành động “ngăn sông cấm chợ”, mà mục đích duy nhất có thể đạt được là: Tận thu. Theo đề án, ngân sách thành phố sẽ chi 250 tỷ đồng để xây các “cục u” này, dự kiến 2 năm thì thu hồi vốn, sau đó là... lãi.
Hạn chế ùn tắc giao thông ở trung tâm thành phố cần một giải pháp tổng thể, liên quan từ cấp vĩ mô là chính quy hoạch phát triển của TP Hồ Chí Minh, cho tới những thứ ít vĩ mô hơn như xây dựng các bãi đậu xe bên ngoài khu vực trung tâm kết hợp với các tuyến giao thông công cộng..., để người dân đỡ phải ca bài “Cho em một ngày, một ngày đừng kẹt xe”...