Bước chuyển mạnh mẽ
Theo kế hoạch, từ ngày 22 - 24.5.2024, tại huyện Châu Thành A và Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra “Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024. Nội dung trọng tâm của tuần lễ là 8 phiên hội thảo về số hóa hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường, du lịch, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh và bền vững, kết nối cung - cầu công nghệ. Đây là một trong những sự kiện nổi bật của tỉnh Hậu Giang trong năm 2024 nhằm tạo động lực mới từ CĐS để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06), tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng kết nối thành công hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tiến hành khai thác, sử dụng. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay thế hình thức nộp hồ sơ trực tiếp năm 2023 đạt gần 87%, tăng hơn 36% so với năm 2022. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân ( CCCD) gắn chip; 99,87% người dân sử dụng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID trong khám chữa bệnh BHYT; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện và 2 bệnh viện tư nhân đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Là một tỉnh thuần nông, những năm gần đây, Hậu Giang tập trung nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả CĐS trong nông nghiệp. Cụ thể, để đối phó với đợt hạn mặn gay gắt, phức tạp diễn ra từ cuối năm 2023 đến nay, ngoài các giải pháp công trình, nhiều nông dân ở Hậu Giang đã biết cài đặt và sử dụng các phần mềm App Mekong trên điện thoại thông minh để cập nhật các chỉ số nồng độ mặn từ các trạm quan trắc mặn tự động trên địa bàn. Từ đó, bà con nông dân dễ dàng xác định thời điểm lấy nước ngọt thích hợp tưới cho cây trồng, không phải đo thủ công mỗi ngày 2 lần như trước. Cũng nhờ App Mekong, nhiều nông dân biết khi nào mật số sâu rầy vượt ngưỡng cho phép mới sử dụng thuốc hóa học để can thiệp, hạn chế việc lạm dụng thuốc hóa học gây hại cho hệ sinh thái, môi trường.
Một trong những điểm sáng của Hậu Giang là đã thành lập Khu công nghệ số tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh để kêu gọi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Mục tiêu mà tỉnh hướng đến không chỉ tạo động lực cho tiến trình CĐS, mà còn tạo điều kiện, cơ hội để hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong công nghệ và nông nghiệp, thu hút nhân tài và chuyên gia công nghệ chất lượng cao cho Hậu Giang và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, Khu công nghệ số Hậu Giang đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển. Điển hình như công ty DIGI-TEXX, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ Đức, chuyên cung cấp dịch vụ về kỹ thuật số và gia công quy trình doanh nghiệp, với quy mô hơn 1.000 nhân sự.
Đưa chuyển đổi số vào cuộc sống
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động để CĐS. Đơn cử, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2.12.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2023” đề ra nhiệm vụ: “Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số”. Theo đó, tỉnh đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ CĐS. Đến cuối năm, toàn tỉnh thành lập được 525 tổ công nghệ số cộng đồng, với 3.740 thành viên tại các ấp, khu vực. Tỉnh cũng đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử, tạo nền tảng rõ nét để hình thành và phát triển kinh tế số, xã hội số. Với những nỗ lực đó, trong 2 năm liên tiếp 2021 - 2022, Hậu Giang xếp thứ 17 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về CĐS.
Tuy nhiên, trong quá trình CĐS, Hậu Giang đang gặp một số khó khăn, hạn chế như: thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin trong CĐS; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều khó khăn, thách thức... Năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp; duy trì và nâng cao thứ hạng về chỉ số CĐS của tỉnh; đào tạo kỹ năng chuyển đổi số; phân tích dữ liệu và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cùng tham gia CĐS để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giải pháp hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông; nâng cao vai trò, trách nhiệm, kỹ năng số của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc ứng dụng CĐS để tương tác với người dân, doanh nghiệp.
Để phát triển các mô hình hợp tác CĐS giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, tỉnh chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp số triển khai hạ tầng, dịch vụ phục vụ nhu cầu CĐS tại tỉnh; tăng cường phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong nước để nghiên cứu, giới thiệu, ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và phục vụ người dân.