Đây là thông tin tại buổi công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Năm 2023, PAPI tiếp tục được thực hiện ở 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Có 19.536 người dân ở 63 tỉnh, thành phố đã tham gia trả lời câu hỏi khảo sát PAPI.
Theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023. Một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân.
Điều đáng lo ngại là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã. Nếu như giai đoạn 2018-2022, khoảng 43% - 46% người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai, thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019.
Phân tích dữ liệu PAPI 2023 cũng cho thấy, đói nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế là ba vấn đề người dân quan ngại nhất. Trong số 10 vấn đề dẫn đầu tổng hợp từ hơn 40 vấn đề người dân nêu lên, đói nghèo được 22,39% người dân quan tâm; con số tương ứng đối với việc làm là 12,79%; đối với tăng trưởng kinh tế là 9,2%.
Hà Nội với 43,9603 điểm dẫn đầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong nhóm “cao”, trong đó có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm điểm cao gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đạt 5,4275 điểm; “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, đạt 5,6707 điểm; “Cung ứng dịch vụ công”, đạt 7,8486 điểm; “Quản trị điện tử”, đạt 3,9728 điểm. 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “Trung bình cao” là “Trách nhiệm giải trình với người dân”, đạt 4,2760 điểm; 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm điểm “Trung bình thấp” là “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, đạt 6,7348 điểm; “thủ tục hành chính công cấp tỉnh”, đạt 7,1611 điểm. 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “thấp” là “Quản trị môi trường cấp tỉnh”, đạt 2,8688 điểm.
Trước đó, Chỉ số PAPI 2022 của Hà Nội có 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “cao” gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đạt 5,8254 điểm, “công khai trong việc ra quyết định với người dân”, đạt 5,7770 điểm. 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình cao” gồm: “Trách nhiệm giải trình với người dân”, đạt 4,3707 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, đạt 6,8007; “thủ tục hành chính công”, đạt 7,3101 điểm; “quản trị điện tử”, đạt 3,6578 điểm. 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình thấp” là “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,2294 điểm; 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “thấp” là “quản trị môi trường”, đạt 2,9338 điểm.
So với năm 2022, Chỉ số PAPI 2023 của Hà Nội tăng 0,0554 điểm (năm 2022 đạt 43,9049 điểm). Trong 2 nhóm chỉ số nội dung tăng, có thể thấy, ở chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, Hà Nội đã thực hiện rất tốt công tác dân chủ ở cơ sở, cùng đó là tuyên truyền hiệu quả về cải cách hành chính. Đối với chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”, Hà Nội đã và đang là đơn vị đi đầu về chuyển đổi số và Đề án 06. Hơn nữa, trong cả 8 nhóm chỉ số nội dung đó là thành quả và tương đồng mạnh mẽ với kết quả công tác cải cách hành chính; điển hình là năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội xếp thứ 3.
Đáng chú ý, năm 2023, Thành ủy Hà Nội thường xuyên tổ chức giao ban về công tác cải cách hành chính; HĐND thành phố tổ chức giám sát, chất vấn về công tác cải cách hành chính; UBND thành phố đã hợp nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố. Đó là những nguyên nhân chính để Hà Nội đạt được kết quả hôm nay.
Để giữ vững vị trí nhóm cao trong bảng xếp hạng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường cho biết, Sở sẽ làm báo cáo nhanh gửi Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về kết quả, sau đó sẽ có báo cáo phân tích sâu về 8 nhóm chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần, 122 chỉ tiêu chính xem tăng, giảm thế nào, nguyên nhân ở đâu và cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI để Hà Nội tiếp tục giữ vững ở nhóm 1 - nhóm cao.
Sau khi kế hoạch ban hành, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố tổ chức hội nghị quán triệt tới người đứng đầu của sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan để nhận thức đầy đủ và triển khai quyết liệt. Đối với cấp cơ sở, Sở Nội vụ cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn tới những người làm trực tiếp công việc liên quan đến Chỉ số PAPI. Tin rằng, với cách triển khai bài bản, đồng bộ đó, năm sau và những năm tiếp theo Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì, giữ vững chỉ số PAPI ở nhóm cao.