Tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Tờ trình về kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày và nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến áp dụng quy định của một số luật chuyên ngành, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bổ sung một số giải pháp chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 5 nhóm giải pháp được đề xuất là: Về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; về sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chủ trì liên kết (doanh nghiệp, hợp tác xã), nhóm hộ gia đình thực hiện phát triển sản xuất và việc quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ; về giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hàng năm; cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các Chương trình.
Theo Báo cáo đề xuất, giải quyết kiến nghị của Chính phủ về giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày, Đoàn giám sát thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình vì mục tiêu đặt lợi ích của Nhân dân lên cao nhất trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các Chương trình này còn tương đối thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, trong khi đời sống người dân là đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết thêm, về nguyên tắc xử lý, Đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất, căn cứ vào tình hình thực tiễn, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý chủ trương đối với nội dung đề xuất của Chính phủ, cho phép quy định các nội dung về giải pháp, cơ chế đặc thù trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội mà không ban hành Nghị quyết riêng. Về thời gian thực hiện, thống nhất với đề xuất của Chính phủ là chỉ áp dụng quy định đến hết năm 2025 để phù hợp với thời gian thực hiện các Chương trình. Sau đó, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Không nên ràng buộc bằng các quy định về đầu tư công
Nhất trí với đề xuất của Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần có sự thay đổi trong các quản lý các Chương trình theo hướng đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao vốn cho địa phương chịu trách nhiệm lồng ghép, chú ý cân bằng giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư. Hiện nay, chúng ta vẫn quản lý các Chương trình theo hướng rất chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong tổ chức thực hiện, cần phân định rõ giữa khoản đầu tư và khoản hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Nếu quản lý theo phương thức đầu tư thì rất phức tạp, 3 Chương trình nhằm hỗ trợ cho người dân, thì phải quy định rõ về tiêu chí, nguyên tắc hỗ trợ, nếu ràng buộc bằng các quy định về đầu tư công, quản lý tài sản công thì không phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “đã là hỗ trợ thì nên thay đổi cách tiếp cận bằng cách giảm thiểu, làm gọn nhẹ các thủ tục, để người dân dễ dàng tiếp cận, không nên siết chặt, quản lý quá chặt chẽ, mà chỉ ràng buộc bằng chất lượng hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Thống nhất với 5 giải pháp Chính phủ đề xuất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, bất cứ giải pháp nào có thể khắc phục được tình trạng chậm triển khai các Chương trình, thì cố gắng làm, nhưng cần báo cáo rõ với Quốc hội lý do khách quan, chủ quan
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, khi trình trước Quốc hội, các lý lẽ cần thuyết phục hơn, nếu thực hiện 5 giải pháp như Chính phủ đề xuất thì sẽ tháo gỡ được vướng mắc ở đâu, đẩy nhanh tiến độ như thế nào. Nếu không thực hiện các giải pháp này thì sẽ vướng mắc ra sao, ảnh hưởng thế nào đến việc triển khai 3 Chương trình.
Lưu ý Chính phủ chưa trình đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu thêm giải pháp này.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao công tác chỉ đạo 3 Chương trình của Chính phủ, đã sớm phát hiện để đề xuất tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tế. Đoàn giám sát đã thực hiện trách nhiệm được giao, bước đầu thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ và có ý kiến chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các giải pháp do Chính phủ đề xuất và thống nhất tên gọi là cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc 3 Chương trình. Riêng thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình giao Chính phủ nghiên cứu, thiết kế trình Quốc hội trong thời điểm thích hợp. Trong đó, cần làm rõ thời gian thí điểm, địa bàn thí điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, bổ sung một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, “có van, có khóa” để thực hiện các cơ chế này, gửi sớm cho các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu.
+ Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm/miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.