
Công trình kiến trúc hoành tráng
Đấu trường Colosseum được bắt đầu xây dựng dưới thời Hoàng đế Vespasian vào khoảng năm 70-72 sau Công nguyên. Ít ai biết rằng đấu trường này được xây dựng trên một đầm lầy cũ và dòng suối cung cấp nước cho đầm lầy này đến giờ vẫn tồn tại. Điều kỳ lạ là toàn bộ công trình khổng lồ ấy được xây cách đây gần 2.000 năm, không có một tí sắt thép, bêtông, ximăng nào, chỉ có đá, gạch, vữa và lao động thủ công hoàn toàn. Với sức chứa hơn 50.000 người, đấu trường Colosseum có hình elip với trục dài là 188m, trục ngắn là 156m, cao 48m, diện tích là 160.000m2, chia thành 3 tầng với các lối kiến trúc khác nhau. Có 80 cổng vào Colosseum, 76 cổng dành cho khán giả thường, 2 cổng cho gia đình hoàng tộc và 2 cổng dành cho các đấu sỹ giác đấu. Bên trong là một sàn gỗ cũng hình elip với kích thước trục dài 86m, trục ngắn 54m được rải cát cho dễ thấm máu. Bên dưới sàn này là một hệ thống chuồng và đường ngầm 2 tầng dành cho các võ sỹ giác đấu và thú dữ ở và đi ra sân cát bên trên. Trong suốt lịch sử của mình, Colosseum đã chứng kiến cái chết của hơn 9.000 con vật và hàng ngàn đấu sỹ. Ngoài sử dụng làm nơi đấu của võ sỹ, nơi đây còn được dùng làm biểu diễn công chúng, tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển. Những trận đấu như thế đã diễn ra trong mấy trăm năm dưới thời đế chế La Mã. Cho đến khi đế chế La Mã sụp đổ vào năm 476, đấu trường mới bị bỏ hoang phế.

Mới đây, các nhà khảo cổ học còn phát hiện được các đường hầm nối liền Colosseum với hệ thống cống của thành phố để thoát nước. Hiện nay sàn gỗ không còn, để lộ toàn bộ hệ thống chuồng và hầm dưới mặt đất. Trong thời kỳ Phục hưng, Colosseum đã được sử dụng như một mỏ cung cấp nguyên vật liệu để xây dựng những công trình kiến trúc nổi tiếng khác, điển hình là Nhà thờ thánh Peter ở Vatican. Mãi đến năm 1749, Giáo Hoàng Benedict XIV mới ra lệnh dừng việc này.
Bảo tồn bằng công nghệ laser
"Colosseum còn, thành Rome còn; Colosseum mất, thành Rome sẽ mất; Rome sụp đổ, thế giới sẽ không còn". Đó là những gì Vernarable Bede - vị thầy tu ở Anh đã viết về Colosseum. Song giờ đây khi thành Rome đã vào dĩ vãng thì Colosseum vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Có thể nói, đấu trường Colosseum là niềm kiêu hãnh của Italy, vì thế việc bảo tồn di tích này quan trọng hơn bao giờ hết. Trước tình trạng hư hỏng và xói mòn do động đất, nạn trộm đá… mới đây Italy đã tính đến việc bảo vệ và phục dựng đấu trường với dự án hoành tráng mang tên Sự hồi sinh của thành Rome - tái tạo thành La Mã cổ đại trong khoảng thời kỳ thịnh vượng nhất với khoảng 7.000 kiểu kiến trúc vào thời đại hưng thịnh nhất của triều đại Roman dưới sự trị vì của Hoàng đế Constantine, khoảng năm 320 trước Công Nguyên. Đây được coi là công trình mô phỏng hoàn hảo nhất từ trước đến nay, do các nhà khoa học Mỹ và một số viện nghiên cứu tại Anh, Đức và Italy thực hiện trong vòng 10 năm. Nhờ kỹ thuật quét laser thành Rome ngày nay và sự cố vấn của các chuyên gia khảo cổ học, chuyên gia vi tính đã tái tạo gần như toàn bộ thành phố bên trong thành lũy dài 13 dặm nguyên thủy, gồm cả Viện nguyên lão, đấu trường Colosseum và tòa pháp đình do Hoàng đế Maxentius xây dựng, đủ cả những chi tiết nhỏ như bích họa và trang trí. Bên cạnh đó còn là những di tích đã gần như bị hư hại hoàn toàn như đền thờ các nữ thần Venus, một vòi phun ở gần đấu trường Colosseum…

Với tổng trị giá 2 triệu USD, theo các chuyên gia chịu trách nhiệm của dự án này, du khách thăm thành Rome ảo có thể làm những việc mà ở thế giới thực không làm được, ví dụ như bò qua các hành lang trong lòng đấu trường Colosseum nổi tiếng đầy sư tử, bay lên cao để ngắm kỹ hơn các bức phù điêu và những dòng chữ khắc trên đỉnh của khải hoàn môn… Bernard Frischer, giám đốc dự án, thuộc ĐH Virginia (Mỹ) khẳng định: "Đây là bước đầu tiên trong việc tạo nên cỗ máy thời gian ảo, thông qua đó các thế hệ con cháu của chúng ta sẽ dùng để học tập và nghiên cứu về lịch sử của Rome và nhiều thành phố vĩ đại khác trên thế giới".
Thu Hoài