Tránh chồng chéo giữa các Luật
Cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; luật hóa các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đườn bộ... Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá tác động của những chính sách mới để bảo đảm tính khả thi sau khi ban hành.
Về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo (Điều 22) và xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 23), đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, cần quy định rõ yêu cầu, vị trí xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo; yêu cầu, trách nhiệm của các chủ thể khi xây dựng, lắp đặt công trình khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; yêu cầu xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Không lắp đặt biển quảng cáo ở đoạn đường nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn giao thông để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông…
Về phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác (Điều 45, Điều 90 và Điều 91), nhiều đại biểu cho rằng: dự thảo Luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (điểm a khoản 2 Điều 45) và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác (điểm b khoản 2 Điều 45, mục 1.2 Điều 90) có thể dẫn tới việc thu trùng các loại phí liên quan đến đường bộ… Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và phải đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh và bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn, đường địa phương, phương tiện công nghệ mới, phương tiện đa tính năng (Điều 3); đồng thời, bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác (Điều 4), bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (Điều 8), bổ sung các chính sách phát triển giao thông đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (Điều 9).
Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung nhiều điểm mới đối với phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ… Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát kỹ để tránh trùng lắp với cácluật khác, nhất là với dự thảo Luật Trật tự, an toàn, an toàn giao thông đường bộ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, cơ sở dữ liệu đường bộ (Điều 8); các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9); phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 10); phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ (Điều 17); hành lang an toàn đường bộ (Điều 18); hoạt động quản lý, vận hành, khai thác sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 40); bến xe, bãi đỗ xe, điểm dừng xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, trạm thu phí đường bộ (Điều 44); vận tải hành khách bằng xe ô tô (Điều 62); quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (Điều 63)…
Nghiên cứu quy định đấu giá biển số xe đối với tất cả các biển số xe, loại xe
Cho ý kiến vào dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Quan đó, sẽ tạo được cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người...
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), có những phần nêu quá cụ thể, chi tiết không cần thiết, nên quy định ở các văn bản dưới luật. Việc quy định chi tiết trong luật dễ dẫn tới khả năng sớm phải sửa luật do khoa học kỹ thuật, xã hội phát triển rất nhanh, các quy định trong luật không theo kịp với thực tiễn.
Về sát hạch giấy phép lái xe (Điều 53), đại biểu đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để bảo đảm chặt chẽ...
Liên quan đến đấu giá biển số xe, các đại biểu cho biết: thực tế thí điểm việc đấu giá biển số xe theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua cho thấy những tác động tích cực bước đầu, nhất là tăng thu ngân sách, minh bạch khai thác “kho” biển số xe. Đáng chú ý, việc tổ chức đấu giá biển số xe được người dân ủng hộ và đánh giá cao. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định đấu giá biển số xe vào luật đối với tất cả các biển số xe, loại xe...
Liên quan đến điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 33), đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, quy định tại điểm c sẽ đòi hỏi các chủ phương tiện giao thông đường bộ có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Theo đại biểu, yêu cầu giám sát hành trình đối với những xe cá nhân không phù hợp với điều kiện thực tế, chỉ có thể quy định khuyến khích chủ phương tiện lắp đặt thiết bị hành trình, khi đủ điều kiện mới có thể bắt buộc thực hiện yêu cầu này...
Các đại biểu cũng đã nhất trí việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; đánh giá cao và bày tỏ đồng tình với các nội dung đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách....