Bổ sung đánh giá tác động của việc gia hạn chính sách
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm cụ thể hóa và triển khai các quyết sách tại Nghị quyết số 43, xác định nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, thời hạn cụ thể.
Theo đó, Chính phủ đã giao các bộ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 17 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện ngay từ Quý I.2022, nhất là đối với những chính sách hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. “Đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá tác động trước khi ban hành”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 8.2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực. Một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31.8.2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỷ đồng) trong khi thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng (đến hết năm 2023), có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, qua đó đã hoàn thành khối lượng lớn công việc. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng ghi nhận, nhìn chung, việc thực hiện các chính sách tại Nghị quyết số 43 đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm; có gói hỗ trợ kinh phí tồn dư nhiều, thời gian kết thúc chính sách đã lâu, nhưng Chính phủ chậm đề xuất phương án xử lý như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong khi nhiều chính sách xã hội khác có nhu cầu nhưng thiếu kinh phí hoặc có kinh phí hạn chế, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần bổ sung đánh giá tác động và có quan điểm đối với việc gia hạn tiếp một số chính sách.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện các chính sách tiền tệ tại Nghị quyết số 43; phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo số liệu giải ngân gói hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; gói hỗ trợ đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế; gói hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm…
Giải ngân thấp, hiệu quả thực hiện còn hạn chế
Cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh rất gấp gáp, khẩn trương, Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời, đúng đắn và chưa từng có tiền lệ, như việc ban hành Nghị quyết số 43 nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn hạn chế, đến nay, có những nội dung có tiến độ giải ngân thấp, dẫn đến việc phát huy hiệu quả của Nghị quyết còn hạn chế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, nhóm chính sách nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực du lịch được ưu tiên nhiều, được ban hành tương đối đầy đủ và được thực hiện tương đối tốt, qua đó đã góp phần thúc đẩy du lịch nội địa phục hồi tốt. Tuy nhiên, còn một số chính sách đã ban hành nhưng chưa thực hiện được như chính sách giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, cho người dân. Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, ngành du lịch đã kiến nghị nhiều về các chính sách này nhưng chưa thấy có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội. Về tình hình thực hiện Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 43, đánh giá cụ thể tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, kết quả huy động các nguồn lực, kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách đặc thù theo Nghị quyết, hiệu quả giải ngân trong lĩnh vực y tế, đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, trợ giúp việc làm…